Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)
(BNCTW) - Ngày 12-3, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ 36, cho ý kiến vào dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp.
Sau 3 năm thi hành Luật Tố tụng hành chính cho thấy, một số quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu giải quyết kịp thời, hiệu quả các khiếu kiện hành chính. Trong khi đó, Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) năm 2014 đã có nhiều nội dung mới, thay đổi căn bản về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và nguyên tắc hoạt động của Tòa án nhân dân; về cơ cấu tổ chức, thẩm quyền của từng cấp Tòa án… Do đó, việc ban hành Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) là cần thiết, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết, xét xử các khiếu kiện hành chính, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để Tòa án nhân dân thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Toàn cảnh Phiên họp |
Dự thảo Luật gồm 21 chương, 316 điều. So với Luật tố tụng hành chính hiện hành, dự thảo Luật tăng thêm 51 điều, trong đó giữ nguyên 131 điều, sửa đổi, bổ sung 134 điều của Luật tố tụng hành chính hiện hành và bổ sung 51 điều mới. Để đảm bảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn xét xử các vụ án hành chính, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nhấn mạnh, chỉ những vấn đề nào bất cập trong thực tiễn, đã có sự tổng kết, đánh giá tác động cụ thể, rõ ràng thì mới sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật.
Về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân: Một số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành, nhưng cần loại trừ các quyết định xử lý hành chính của Tòa án nhân dân để bảo đảm tính khả thi. Một số ý kiến đề nghị mở rộng thẩm quyền của Tòa án nhân dân, cụ thể là Tòa án có thẩm quyền giải quyết cả khiếu kiện quyết định hành chính (QĐHC), hành vi hành chính (HVHC) mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức, đặc biệt là quyết định buộc thôi việc của viên chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống.
Các ý kiến đều thống nhất đối với các QĐHC, HVHC thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, ngoại giao cần được luật hóa trong một văn bản luật riêng (Luật Bảo vệ bí mật nhà nước), mà không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Cũng có ý kiến cho rằng, không nên loại trừ các QĐHC của Tòa án để đảm bảo mọi QĐHC đều là đối tượng khởi kiện của người dân, không hạn chế quyền của người dân theo tố tụng tư pháp. Việc giải quyết các QĐHC này có thể giao cho Tòa án cấp trên của Tòa án nơi đã ra QĐHC đó để đảm bảo tính khách quan trong quá trình giải quyết.
Về phân định thẩm quyền của tòa án cấp huyện, tòa án cấp tỉnh: Một số ý kiến đề nghị quy định đối với QĐHC, HVHC của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong giải quyết vụ án. Có ý kiến đề nghị các QĐHC, HVHC của UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao cho Tòa án nhân dân cấp cao giải quyết sơ thẩm. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) năm 2014, Tòa án nhân dân cấp cao chỉ có thẩm quyền phúc thẩm, giám đốc thẩm, không có thẩm quyền xét xử sơ thẩm, do vậy, nếu giao Tòa án nhân dân cấp cao giải quyết sơ thẩm các khiếu kiện QĐHC, HVHC của UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ không phù hợp với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) 2014; đồng thời, có thể dẫn đến tình trạng quá tải đối với các Tòa án này, đi ngược lại chủ trương cải cách tư pháp là tăng thẩm quyền cho tòa án cấp huyện như hiện nay.
Về địa vị pháp lý của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính, đa số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành về địa vị pháp lý của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính. Riêng trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm, Viện kiểm sát chỉ có vai trò là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật nên Kiểm sát viên không phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án hành chính. Có ý kiến cho rằng Viện kiểm sát không phải là cơ quan tiến hành tố tụng, Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên không phải là người tiến hành tố tụng trong tố tụng hành chính.
Về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm: Đa số ý kiến đề nghị tiếp tục kế thừa quy định hiện hành về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hành chính.
Về thẩm quyền của Hội đồng xét xử: Đa số ý kiến đề nghị không bổ sung quy định về thẩm quyền của Hội đồng xét xử sửa QĐHC vì Tòa án là cơ quan xét xử, không nên làm thay nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan hành chính nhà nước.
Về thủ tục rút gọn: Đa số ý kiến cho rằng, để bảo đảm "Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được đảm bảo", cần quy định bản án, quyết định sơ thẩm trong trường hợp được giải quyết theo thủ tục rút gọn vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm vì tất cả các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có sai lầm không chỉ về việc áp dụng pháp luật mà cả vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng đều phải được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm mà không phân biệt bản án, quyết định đó là của Tòa án cấp nào. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cần áp dụng cơ chế phân quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao.
Về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm, một số ý kiến tán thành với quy định về việc mở rộng thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được sửa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, giám đốc thẩm là thủ tục đặc biệt, chỉ tiến hành khi có những điều kiện cụ thể theo quy định của pháp luật, không phải cấp xét xử thứ ba, vì vậy đề nghị không bổ sung quy định thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được sửa bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
Ngoài các vấn đề trên, tại Phiên họp, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu dự họp còn cho ý kiến vào các nội dung: thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; thi hành án hành chính; xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính; thủ tục phúc thẩm lần 2; nguyên tắc tranh tụng trong xét xử...
Phương Thảo