Tình hình tuân thủ pháp luật của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền năm 2014
Thứ Ba, 24/03/2015, 15:17 [GMT+7]
Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2014 trên phạm vi cả nước, trong đó có tình hình tuân thủ pháp luật của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền dựa trên tình hình vi phạm pháp luật được phát hiện qua công tác thanh tra, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và tình hình xét xử, giải quyết các vụ án hành chính, tình hình giải quyết trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Về công tác thanh tra, năm 2014, các cơ quan thanh tra đã thanh tra 7.072 cuộc thanh tra hành chính và 233.811 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, kiến nghị thu hồi 51.583 tỷ đồng, tăng 104% so với năm 2013; 1.682,6 ha đất, bằng 46% của năm 2013; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 13.777 tỷ đồng và 1.355,9 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3.280,5 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2013; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.073 tập thể, tăng 30% so với năm 2013, 15.449 cá nhân, tăng gần 6 lần so với năm 2013; chuyển cơ quan điều tra xử lý 55 vụ việc, giảm 24% so với năm 2013.
Tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của Bộ Tư pháp |
Trong năm 2014, đã tiến hành 1.959 cuộc thanh tra thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại 3.154 đơn vị, phát hiện 595 đơn vị có vi phạm, kiến nghị xử lý 460 tổ chức, 608 cá nhân (đã xử lý 252 tổ chức, 194 cá nhân), chấn chỉnh những khuyết điểm, tồn tại và nhiều thiếu sót, vi phạm.
Cơ quan nhà nước đã tiếp 392.655 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo (tăng 3,2% so với năm 2013) với 4.876 đoàn đông người (tăng 8,8% so với năm 2013). Cơ quan hành chính nhà nước tiếp nhận 234.972 đơn thư, tăng 8% so với năm 2013, trong đó có 93.704 đơn thư khiếu nại, tố cáo; đã giải quyết 36.750/42.783 vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao, đạt 85,9%.
Về công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, năm 2014, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 7.317 vụ, giảm 421 vụ so với năm 2013 (5,7%). Số vụ án hành chính có xu hướng tăng trong những năm gần đây do người dân đã chủ động khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án khi cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính hoặc người có thẩm quyền là trái pháp luật, gây thiệt hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh đó, việc cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong quá trình thực thi pháp luật có vi phạm về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thiếu chính xác cũng là nguyên nhân dẫn tới số vụ án hành chính gia tăng, nhất là trong lĩnh vực thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong các dự án thu hồi quyền sử dụng đất. Nhìn chung, mặc dù các loại án hành chính là loại án rất phức tạp, nhưng công tác giải quyết, xét xử tiếp tục được đảm bảo, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.
Các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết 94 vụ việc (có 50 vụ việc thụ lý mới), tăng 12 vụ việc so với cùng kỳ năm 2013, đã giải quyết xong 53 vụ, đạt tỷ lệ 56,3%, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2013, với số tiền 4 tỷ 622 triệu 534 nghìn đồng. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân các cấp thụ lỳ 23 vụ án dân sự bồi thường nhà nước, tăng 05 vụ việc, đã giải quyết xong 17 vụ việc với số tiền trên 4,1 tỷ đồng.
Tình hình vi phạm pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan như: hệ thống pháp luật còn nhiều khiếm khuyết, bất cập, nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi; việc phổ biến, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trực tiếp thực thi công vụ chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, còn hình thức, hiệu quả chưa cao; bộ máy các cơ quan nhà nước còn cồng kềnh; kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc tại nhiều cơ quan chưa bảo đảm thực thi công vụ.
Tuy nhiên, báo cáo cũng đánh giá, tình trạng vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ chủ yếu do nguyên nhân chủ quan. Nhận thức của một số cán bộ, công chức về chức trách, nhiệm vụ trong thực thi công vụ còn hạn chế; năng lực, trình độ chưa đáp ứng yêu cầu công vụ được giao; tình trạng quan liêu, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp và tham nhũng vặt chưa giảm.
Hoàng Yến
(Đại đoàn kết)
;