Kon Tum: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xử lý, kiểm sát tố giác, tin báo tội phạm
Thứ Năm, 19/03/2015, 16:20 [GMT+7]
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum vừa ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xử lý, kiểm sát tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; hoạt động thi hành án hình sự, dân sự trên địa bàn tỉnh”.
Theo đó, yêu cầu Công an tỉnh tăng cường các biện pháp chỉ đạo, nắm chắc diễn biến tình hình vi phạm, tội phạm; quản lý chặt chẽ tố giác, tin báo về tội phạm, bảo đảm không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt vụ việc phạm tội mà không bị khởi tố về hình sự. Chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp trong tỉnh quản lý chặt chẽ tin báo, tố giác về tội phạm; có cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan điều tra với Ủy ban nhân dân, công an xã, phường, thị trấn để quản lý chặt chẽ, xử lý kịp thời các tố giác, tin báo về tội phạm; quan tâm, tôn trọng, có cơ chế rõ ràng, cụ thể để giữ bí mật và bảo vệ người đã tố giác, cung cấp tin báo tội phạm.
Một Hội nghị của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kon Tum |
Các cơ quan Thanh tra, Kiểm lâm, Thuế, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Hải quan khi phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tội phạm phải kịp thời kiến nghị khởi tố về hình sự, đồng thời cung cấp đầy đủ tài liệu có liên quan cho cơ quan điều tra. Công an và Ủy ban nhân dân cấp xã phải tích cực, chủ động trong việc phát hiện tội phạm; đối với những việc đã rõ dấu hiệu tội phạm cần lập hồ sơ và chuyển ngay tin báo, tố giác tội phạm cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Định kỳ 6 tháng, một năm, Công an cấp huyện báo cáo Huyện ủy, Thành ủy và Công an tỉnh về tình hình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn; định kỳ hàng năm, Công an tỉnh tổng hợp, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo.
Về công tác thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân 02 cấp có biện pháp khắc phục tình trạng tuyên án dân sự không rõ ràng, gây khó khăn cho việc thi hành án. Cơ quan thi hành án các cấp tăng cường các biện pháp đôn đốc thi hành án; phân loại chính xác án có điều kiện thi hành và án chưa có điều kiện thi hành; đối với vụ việc có điều kiện kê biên, cưỡng chế cần kiên quyết áp dụng biện pháp kê biên, cưỡng chế bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật. Các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ từng vụ việc cụ thể, nếu áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị đảm bảo, thay thế biện pháp ngăn chặn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thì áp dụng theo quy định, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để thi hành dứt điểm sau khi bản án có hiệu lực thi hành. Đối với vụ việc khó khăn, phức tạp cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan hữu quan, tổ chức, đoàn thể xã hội.
Về công tác thi hành án hình sự, Tòa án nhân dân tỉnh tăng cường các biện pháp nhằm khắc phục triệt để việc chậm ra quyết định thi hành án; phải gửi kịp thời, đầy đủ các bản án, quyết định đến các cơ quan liên quan để bảo đảm thời hạn thi hành án. Rà soát các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, nếu không bảo đảm căn cứ theo quy định, phải kiên quyết thi hành theo pháp luật. Cơ quan thi hành án các cấp phải thực hiện đúng quy trình, thủ tục thi hành án theo luật thi hành án hình sự. Ủy ban nhân dân cấp xã tăng cường chỉ đạo công an địa phương tham mưu lập hồ sơ thi hành án tại xã, phường, thị trấn theo đúng quy định; tăng cường các biện pháp quản lý người chấp hành án, tạo điều kiện để người chấp hành xong hình phạt tái hòa nhập cộng đồng.
Viện kiểm sát nhân dân 02 cấp đẩy mạnh kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong việc thụ lý, phân loại, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định. Báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác các hoạt động quản lý và giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm. Trước mắt giao cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh rà soát lại những vụ việc có dấu hiệu phạm tội để chyển hồ sơ cho cơ quan điều tra tiếp nhận, xử lý theo thẩm quyền. Chấm dứt tình trạng bỏ lọt tội phạm hoặc tự xử lý hành chính những vụ việc có dấu hiệu phạm tội hình sự.
Tăng cường kiểm sát lĩnh vực thi hành án, nhất là các vấn đề về thời hạn, thủ tục thi hành án, bảo đảm chấp hành nghiêm Luật thi hành án hình sự, Luật thi hành án dân sự. Vận dụng các phương thức kiểm sát theo luật định, nếu phát hiện vi phạm cần kiên quyết kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu các đơn vị, cá nhân liên quan thực hiện đúng pháp luật, đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc tổ chức thi hành án.
Các cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, kiểm tra, giám sát công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác thi hành án hình sự, thi hành án dân sự; đưa công tác thi hành án trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, thiết thực, hiện quả; góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể, có cơ chế hỗ trợ tài chính bảo đảm cho các hoạt động này có hiệu quả.
Thái Văn Ngọc
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum)
;