Kon Tum: Giám sát tình hình oan sai và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự

Thứ Ba, 17/03/2015, 15:55 [GMT+7]
    Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cùng đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Đoàn Luật sư tỉnh Kon Tum đã tiến hành giám sát tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh Kon Tum (tính từ ngày 01-10-2011 đến 30-9-2014).
 
Đoàn giám sát đề nghị các cơ quan, đơn vị có kế hoạch cụ thể phát huy ưu điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế
Đoàn giám sát đề nghị các cơ quan, đơn vị có kế hoạch cụ thể phát huy ưu điểm, khắc phục những tồn tại,
hạn chế
    Những năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là Cơ quan điều tra trong ngành Công an nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức triển khai thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan; góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Tất cả các hoạt động trong quá trình tiến hành tố tụng: từ tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, khởi tố, điều tra, bắt, tạm giữ, tạm giam, đến truy tố, xét xử, về cơ bản được tiến hành thận trọng, khắc phục kịp thời những sai sót; đặc biệt không để xảy ra bất cứ trường hợp nào bị oan phải bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.  
 
    Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng vẫn còn xảy ra thiếu sót với mức độ khác nhau. Hoạt động điều tra, xử lý tin báo, tố giác tội phạm trong một số trường hợp còn để quá thời hạn luật định; 11 trường hợp (chiếm 0,47%) cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, nhưng Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố; 15 trường hợp (chiếm 0,91%) bị can đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm. Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra án hình sự, có 33 vụ - 88 bị can (chiếm 2,8%), Viện kiểm sát đã quyết định truy tố, nhưng Tòa án trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung; việc thiết lập hồ sơ kiểm sát chưa đầy đủ, theo đúng quy định của ngành; chưa kiểm sát chặt chẽ việc thiết lập hồ sơ điều tra, đánh giá chứng cứ của cơ quan điều tra; chưa xây dựng kế hoạch kiểm sát điều tra, đề ra yêu cầu điều tra, dẫn đến tình trạng trả lại hồ sơ điều tra bổ sung do thiếu chứng cứ, tài liệu hoặc vi phạm trình tự tố tụng. Vẫn còn một số vụ án (chủ yếu cấp huyện) bị hủy để điều tra, xét xử lại; một số trường hợp trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung chưa đúng; tuyên mức hình phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội; cho hưởng án treo thiếu căn cứ nên tính răn đe, giáo dục chưa cao.
 
    Từ thực tế nêu trên, Đoàn giám sát đề nghị các cơ quan, đơn vị có kế hoạch cụ thể phát huy ưu điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế; tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chuyên môn, nhất là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Thái Văn Ngọc
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum)
;
.