Diễn đàn tuổi trẻ khối các cơ quan Trung ương góp ý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)

Thứ Sáu, 27/03/2015, 15:16 [GMT+7]
    (BNCTW) - Ngày 27-3, tại Hà Nội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Diễn đàn tuổi trẻ khối các cơ quan Trung ương góp ý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).
 
    Tại Diễn đàn, các đồng chí đoàn viên thanh niên đã trình bày tham luận; góp ý, thảo luận sôi nổi tập trung vào các nội dung: về gỡ vướng quyền định đoạt tài sản; vấn đề chuyển đổi giới tính trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) dưới góc nhìn của bình đẳng giới; bình luận khoa học về chế định hộ gia đình trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi); trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; chế định sở hữu và chủ thể trong Bộ luật dân sự (sửa đổi); trách nhiệm dân sự và bồi thường thiệt hại do không thực hiện đúng nghĩa vụ…
 
Quang cảnh diễn đàn
Quang cảnh diễn đàn
    Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, có ý kiến tán thành với việc cho phép Tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết đối với những vụ, việc dân sự khi chưa có luật quy định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân một cách kịp thời, triệt để hơn; có ý kiến đề nghị không quy định vấn đề này trong Bộ luật dân sự để phù hợp với quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính khả thi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Bộ luật.
 
    Về quyền định đoạt tài sản, có ý kiến tán thành với những quy định về sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung của vợ chồng trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) vì cho rằng những quy định này đã khắc phục được những hạn chế của Bộ luật dân sự hiện hành.
 
    Về vấn đề chuyển đổi giới tính trong dự thảo, có ý kiến tán thành quy định trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của luật vì quy định này sẽ góp phần bảo vệ quyền con người, phù hợp với pháp luật của một số nước trên thế giới và thực tiễn đời sống ở Việt Nam hiện nay.
 
    Góp ý về chế định hộ gia đình trong dự thảo, có ý kiến cho rằng, cần phải quan niệm hộ gia đình là một loại pháp nhân được thành lập bởi các thành viên có quan hệ hoặc hôn nhân hoặc huyết thống hoặc nuôi dưỡng với nhau; do đó, đề nghị dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) cần có một số quy định đặc thù về hộ gia đình trong phần nói về pháp nhân; thiết kế lại các chế độ quản trị hộ gia đình, mọi thành viên trong hộ gia đình đều là đại diện theo pháp luật của hộ; phân biệt rõ khái niệm “gia đình” và “hộ gia đình”.
 
    Ý kiến khác đề nghị quy định nếu các thành viên trong hộ gia đình đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì sẽ trực tiếp ký vào giao dịch chuyển quyền sử dụng đất, còn những thành viên không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì phải tham gia thông qua người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu thừa nhận hộ gia đình là chủ thể trong quan hệ dân sự, chỉ nên giới hạn những người có tên trong hộ khẩu mới có thể đại diện trong các quan hệ giao dịch dân sự. Ý kiến khác đề nghị nếu không quy định là một chủ thể độc lập trong quan hệ dân sự, dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) phải thống nhất với Luật Đất đai 2013 trong vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là phải xác định ai là người có quyền trong hộ gia đình đó để cấp giấy chứng nhận này. Nếu chỉ căn cứ hộ khẩu sẽ khó xác định được người có quyền sử dụng đất trong hộ gia đình.
 
    Về hình thức sở hữu, có ý kiến nhất trí với dự thảo khi quy định 03 hình thức sở hữu (sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung) để cụ thể hóa và bảo đảm sự thống nhất với nội dung, tinh thần của Hiến pháp 2013. Đặc biệt sở hữu toàn dân là những tài sản có giá trị lớn, là tư liệu sản xuất chủ yếu của đất nước, là một dạng sở hữu đặc biệt, không thể coi là một dạng của sở hữu riêng hoặc sở hữu chung, do đó cần phải có chế độ pháp lý riêng biệt.
 
    Về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức, có ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo vì quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn ký kết, thực hiện hợp đồng ở nước ta; bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể xác lập quan hệ hợp đồng cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba; góp phần bảo đảm sự ổn định của quan hệ thị trường. Có ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì như Bộ luật dân sự hiện hành để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, theo đó, trong trường hợp pháp luật quy định hình thức bắt buộc của giao dịch thì chủ thể của giao dịch phải tuân thủ hình thức đó, nếu không tuân thủ thì giao dịch bị tuyên bố vô hiệu.
Phương Thảo
;
.