Bình Định: Rà soát, đôn đốc giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, tồn đọng, phức tạp, kéo dài
Năm 2014, ngành Thanh tra tỉnh Bình Định triển khai 83 cuộc thanh tra hành chính tại 126 đơn vị; 147 cuộc thanh tra chuyên ngành và 8.044 lượt thanh tra, kiểm tra tại 891 lượt đơn vị, cơ sở và 7.587 lượt cá nhân.
Qua thanh tra hành chính phát hiện 56 đơn vị có sai phạm với số tiền 25.898 triệu đồng, 896.338 m2 đất các loại; chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra 02 vụ có dấu hiệu phạm tội. Qua thanh tra chuyên ngành phát hiện 226 đơn vị, cơ sở và 2.251 cá nhân vi phạm, sai phạm về kinh tế 8.886 triệu đồng.
Năm 2015, ngành Thanh tra tỉnh Bình Định tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tập trung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm trách nhiệm quản lý nhà nước và việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, vi phạm pháp luật, gắn với yêu cầu góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2015.
Thanh tra tỉnh Bình Định công bố quyết định thanh tra tại địa phương |
Rà soát, đôn đốc giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, tồn đọng, phức tạp, kéo dài; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư; tham mưu đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết các vụ việc mới phát sinh thuộc thẩm quyền đạt tỷ lệ từ 85% trở lên.
Tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng và thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015, tập trung trọng tâm vào việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về phòng, chống tham nhũng; tổ chức thực hiện thường xuyên, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa; tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình, kiểm tra, thanh tra, giám sát, giải quyết tố cáo nhằm phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời, nghiêm minh những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm Thủ trưởng các ngành, địa phương trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Chú trọng thực hiện thường xuyên, có hiệu quả nhiệm vụ thẩm định các kết luận thanh tra của Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các sở, ban, ngành để thực hiện thẩm quyền thanh tra lại khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật của cấp có thẩm quyền bảo đảm đạt tỷ lệ từ 70% trở lên.
Tổ chức thực hiện tốt công tác xây dựng đảng, chính quyền, đoàn thể; công tác cải cách thủ tục hành chính; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, kiểm tra, giám sát, thực hiện các chính sách đối với đội ngũ công chức thanh tra, gắn với tiếp tục đầy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.
Minh Tâm
(TTCP)