Ủy ban Pháp luật họp về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Thứ Sáu, 16/01/2015, 15:57 [GMT+7]

(BNCTW) - Chiều ngày 15-1-2015, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức cuộc họp để thảo luận về những vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì cuộc họp.

Theo Báo cáo về một số vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và cơ quan chủ trì soạn thảo xin ý kiến về 3 vấn đề lớn: phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật; mô hình tổ chức chính quyền địa phương và việc phân cấp, phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương.

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật do Chính phủ trình không quy định về chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt mà để Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt quy định. Đa số ý kiến cho rằng, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cũng là một loại đơn vị hành chính của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nên Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần quy định một số nội dung có tính nguyên tắc về vấn đề này. Cụ thể là quy định về tính chất, trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc thành lập, giải thể các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và quy định có tính nguyên tắc về mô hình tổ chức chính quyền tại các đơn vị này. Còn những nội dung về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù áp dụng đối với từng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ do Quốc hội quyết định khi thành lập các đơn vị đó.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án: Phương án 1: Ở địa bàn nông thôn tổ chức 3 cấp chính quyền tại tỉnh, huyện, xã; ở địa bàn đô thị tổ chức 2 cấp chính quyền tại thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, quận và đơn vị hành chính tương đương; còn tại các phường sẽ tổ chức Phòng quản lý hành chính thuộc UBND quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường. Phương án 2: Tiếp tục quy định cấp chính quyền địa phương được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính nhưng làm rõ hơn các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền quận và chính quyền phường để phù hợp với đặc điểm quản lý tại các đô thị.

Tại cuộc họp, đa số ý kiến đồng tình với phương án 2, tuy nhiên đề nghị tại các phường sẽ vẫn tổ chức UBND hoặc Ủy ban hành chính theo đúng tinh thần là chính quyền cơ sở mà không phải là "cánh tay nối dài" của UBND quận, thị xã… như dự thảo Luật quy định.

Về việc phân cấp, phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương, nhiều ý kiến đề nghị Luật này chỉ quy định một cách chung nhất phạm vi những vấn đề, những loại việc mà chính quyền địa phương có thể đảm nhiệm được tương ứng với khả năng đáp ứng của bộ máy chính quyền, tính chất của dân cư, địa bàn quản lý. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước cả từ trung ương đến địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực cụ thể cũng như cách thức thực hiện cần được xác định trong các đạo luật chuyên ngành.

Phương Thảo

;
.