Ủy ban Pháp luật họp về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)
(BNCTW) - Sáng ngày 15-1-2015, chuẩn bị cho phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Ủy ban Pháp luật đã tổ chức cuộc họp để thảo luận về những vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) sau khi đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII. Đồng chí Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, PGS.TS Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã trình bày Báo cáo xin ý kiến một số vấn đề lớn về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), bao gồm: phạm vi điều chỉnh và kết cấu của dự thảo Luật; cơ cấu tổ chức của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; sự phân cấp của Chính phủ và bộ, cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương.
Toàn cảnh cuộc họp |
Về phạm vi điều chỉnh, trong quá trình thảo luận tại Quốc hội, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về hoạt động của Chính phủ vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, làm rõ thêm, đầy đủ hơn về hoạt động của Chính phủ. Do vậy, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị UBTVQH cho tiếp thu theo hướng bổ sung thêm, làm sâu sắc thêm các quy định về hoạt động của Chính phủ gắn liền với tổ chức của Chính phủ. Theo đó, bổ sung quy định tại Điều 46 về thành phần tham dự Phiên họp Chính phủ, hoàn thiện các quy định về chế độ làm việc của Chính phủ trong dự thảo Luật
Về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, một số ý kiến đề nghị không ghi rõ số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ trong dự thảo Luật để tạo cơ sở cho Chính phủ hoạt động năng động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội; một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ trong dự thảo Luật để bảo đảm sự ổn định của Chính phủ.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, dự thảo Luật bổ sung một số quy định về thẩm quyền mới của Thủ tướng Chính phủ mà chưa được quy định trong Hiến pháp như: trong thời gian Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; giao quyền phụ trách bộ, cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm; tạm thời giao quyền phụ trách Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; phê duyệt danh sách nhân sự giới thiệu bầu vào các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc kỹ, không bổ sung những thẩm quyền này trong dự thảo Luật để phù hợp với tinh thần và quy định của Hiến pháp 2013.
Về Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, dự thảo Luật bổ sung quy định trách nhiệm chính trị liên đới của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đối với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; trách nhiệm chính trị của cá nhân Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu ngành, lĩnh vực được Quốc hội giao. Trong đó, quy định cụ thể về các trường hợp từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Định kỳ 6 tháng một lần Bộ trưởng thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội đề nghị cân nhắc không đưa vào dự thảo Luật vấn đề trách nhiệm liên đới và trách nhiệm chính trị của Bộ trưởng; chỉ nên quy định trách nhiệm quản lý, trách nhiệm thông tin, giải trình và báo cáo trước Nhân dân của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Về cơ quan thuộc Chính phủ, một số ý kiến đề nghị đổi mới nhận thức về cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng quy định cơ quan này là một tổ chức do Chính phủ thành lập để tổ chức thi hành pháp luật và kiểm soát thi hành pháp luật trong lĩnh vực đặc thù, có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính nhằm bảo đảm thi hành các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không quy định về cơ quan thuộc Chính phủ trong dự thảo Luật.
Phương Thảo