Hải Dương: Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm phòng ngừa tham nhũng

Thứ Tư, 07/01/2015, 15:08 [GMT+7]
Năm 2014, công tác cải cách hành chính của tỉnh Hải Dương tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, cải tiến tác phong, lề lối và phương thức làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công tác chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Về xây dựng và hoàn thiện thể chế, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành 39 văn bản Quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền (đạt 88,6%). Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp trong tỉnh tuyên truyền kịp thời các văn bản pháp luật, bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị, mở lớp tập huấn, trợ giúp pháp lý lưu động, phát hành tờ tin hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật của Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, phát hành Bản tin tư pháp (mỗi quý 1 số)... Công tác tuyên truyền nên đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
 
UBND tỉnh Hải Dương làm việc với đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh về cải cách thủ tục hành chính
UBND tỉnh Hải Dương làm việc với đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh về cải cách thủ tục hành chính
Công tác cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ. Việc thống kê, rà soát thủ tục hành chính và thực hiện các quy định về kiểm soát thủ tục hành chính đã bám sát Luật, Nghị định, Thông tư đang có hiệu lực thi hành, các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tiến hành rà soát kịp thời công bố thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ các thủ tục hành chính không còn hiệu lực trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công bố, công khai. Năm 2014, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã quyết định công bố mới 24 thủ tục; công bố lại 157 thủ tục; sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế 59 thủ tục thuộc phạm vi giải quyết của 3 cấp chính quyền; bãi bỏ 14 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở. Tổng số thủ tục hành chính đang áp dụng thực hiện ở các cấp trong tỉnh là: 1.516 thủ tục (trong đó cấp tỉnh 1.114 thủ tục, cấp huyện 232 thủ tục, cấp xã 170 thủ tục). Các thủ tục hành chính đã được công khai trên chuyên trang thủ tục hành chính http://thutuchanhchinh.haiduong.gov.vn và trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
Các cơ quan hành chính nhà n¬ước ở cả 3 cấp, gồm 18 Sở, ngành; 12 huyện, thành phố, thị xã và 265 xã, phường, thị trấn đã triển khai thực hiện Đề án cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”. Bố trí phòng làm việc có diện tích phù hợp cho Bộ phận “Tiếp nhận và trả kết quả” và được đặt ở vị trí thuận lợi cho việc đón tiếp tổ chức, công dân đến giải quyết các thủ tục hành chính. Phòng làm việc Bộ phận “Tiếp nhận và trả kết quả” được tu sửa và được trang bị các phương tiện cần thiết như: điện thoại, máy tính, bàn ghế, sổ sách, tủ hồ sơ…phục vụ cho cán bộ, công chức làm việc; dành diện tích phù hợp để nhân dân ngồi chờ giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.
Việc cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông” tiếp tục thực hiện tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, liên thông trong giải quyết thủ tục cấp giấy đăng ký kinh doanh, con dấu và mã số thuế.
Về cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” hiện đại, đã có 06 đơn vị cấp huyện gồm: Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương; Ủy ban nhân dân thị xã Chí Linh và Ủy ban nhân dân các huyện: Ninh Giang; Tứ Kỳ; Kim Thành; Thanh Miện giải quyết thủ tục hành chính đối với tổ chức và công dân theo cơ chế “một cửa” hiện đại (đạt 50%); Các huyện còn lại gồm: Huyện Cẩm Giàng, huyện Nam Sách, huyện Bình Giang, huyện Gia Lộc, huyện Kinh Môn và huyện Thanh Hà đang hoàn thiện nhà làm việc cho bộ phận “một cửa” hiện đại hoạt động trong năm 2015.
Cải cách chế độ công vụ, công chức tiếp tục được triển khai, bước đầu đạt được kết quả như: xác định vị trí việc làm công chức, viên chức; đổi mới công tác tuyển dụng viên chức, đã tổ chức thi tuyển được trên 700 công chức cấp xã, xét tuyển đặc cách gần 5.000 viên chức các trường Mầm non và trung học phổ thông bán công chuyển sang công lập; đào tạo bồi dưỡng cho gần 700 công chức về công tác cải cách hành chính;
Về công tác cải cách tài chính công, đã phân loại các đơn vị sự nghiệp để quy định việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính cho các cơ quan, đơn vị.
Tỉnh đã xây dựng được hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh và nhiều trang thông tin điện tử của các ngành, các địa phương phục vụ việc chỉ đạo, điều hành, trao đổi công việc, văn bản, hồ sơ phục vụ quản lý nhà nước; triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo mô hình khung tại các cơ quan hành chính đảm bảo tiến độ; mang lại hiệu quả quản lý, xử lý công việc của các bộ phận và cá nhân công chức trong cơ quan hành chính; hiện đại hóa trụ sở làm việc các cơ quan xã, phường, thị trấn từng bước được quan tâm.
Tuy nhiên quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2014 của tỉnh Hải Dương còn tồn tại hạn chế cần khắc phục như: hoạt động cải cách hành chính tuy đạt được một số kết quả nhưng còn phải cố gắng nhiều mới đáp ứng yêu cầu đề ra. Việc triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính còn chậm, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện chưa coi trọng đúng mức và chỉ đạo quyết liệt. Cải cách công vụ công chức, nhất là việc xác định vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị gặp nhiều khó khăn.
Thy Lan
(Báo Nhân dân)
;
.