Bến Tre: Kết quả công tác ngành Tòa án năm 2014

Thứ Bảy, 10/01/2015, 05:54 [GMT+7]
Năm 2014, tuy còn gặp khó khăn về nhân sự, số lượng án thụ lý tăng 307 vụ so với năm 2013 nhưng ngành Tòa án tỉnh Bến Tre đã nỗ lực, cố gắng trong công tác giải quyết án. Số lượng các vụ án được giải quyết đạt tỷ lệ 84,4 % trong tổng số án thụ lý, trong đó một số loại án giải quyết đạt tỷ lệ cao như: Án hình sự đã giải quyết đạt tỷ lệ 97,9%, án hôn nhân và gia đình giải quyết đạt tỷ lệ 91,7% và án lao động giải quyết đạt tỷ lệ 100 %.
Trong công tác xét xử án hình sự, Tòa án nhân dân hai cấp đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo đảm bảo nghiêm minh đúng quy định, tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội của bị cáo, đã góp phần giữ gìn kỷ cương, pháp luật, tăng tính răn đe, phòng ngừa tội phạm. Việc áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ được xem xét, cân nhắc cẩn thận đảm bảo có căn cứ pháp luật; đối với các vụ án trọng điểm, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm, Tòa án nhân dân đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra xét xử kịp thời được dư luận đồng tình. Trong năm, Tòa án nhân dân hai cấp phối hợp với các cơ quan tố tụng tiến hành xét xử lưu động 128 vụ/185 bị cáo tại địa phương nơi xảy ra vụ án để góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và đấu tranh phòng, chống tội phạm trong quần chúng nhân dân. 
 
Tòa án nhân dân thành phố Bến Tre tổ chức xét xử lưu động
Tòa án nhân dân thành phố Bến Tre tổ chức xét xử lưu động
Đối với án hành chính, thời gian qua Tòa án nhân dân hai cấp đã chủ động tăng cường công tác đối thoại giữa người khởi kiện với đại diện cơ quan có quyết định hành chính bị khởi kiện, nghiên cứu kỹ hồ sơ để chuẩn bị cho công tác xét xử, do đó chất lượng giải quyết đã có chuyển biến tích cực, nhất là Toà hành chính - Tòa án nhân dân tỉnh (trong kỳ thụ lý 28 vụ án hành chính, đã giải quyết 28 vụ đạt tỷ lệ 100%) góp phần chấn chỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. 
Tuy nhiên, theo Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa vẫn còn xảy ra tuy có giảm so với năm 2013. Trong kỳ, Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh có 80 bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán, chiếm tỷ lệ 1,02 % trên tổng số các vụ án đã giải quyết; có 96 bản án, quyết định bị sửa, chiếm tỷ lệ 1,22 % trên tổng số các vụ án đã giải quyết.
Công tác giải quyết các vụ án hành chính có chuyển biến, tuy nhiên một số thẩm phán của Tòa án nhân dân cấp huyện còn có tâm lý nể nang, ngại va chạm đối với các cơ quan hành chính có quyết định bị khởi kiện nên tỷ lệ giải quyết án hành chính của tòa án cấp huyện chưa cao, chỉ đạt tỷ lệ 77,22 % trên tổng số các vụ án hành chính đã thụ lý trong năm.
Tuy không có án quá hạn luật định, nhưng số lượng án tạm đình chỉ cao, toàn tỉnh có 581 vụ, có nhiều vụ án tạm đình chỉ rất lâu chưa được giải quyết dứt điểm làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của các đương sự.
Tòa án nhân dân các huyện, thành phố chưa chủ động trong công tác phối hợp với các cơ quan hành chính để thực hiện việc thu thập chứng cứ (như đo đạc, định giá và các vấn đề khác) phục vụ công tác xét xử. Số liệu các vụ án tạm đình chỉ theo danh sách báo cáo của Tòa án nhân dân các huyện, thành phố khi đối chiếu với báo cáo kết quả công tác đo đạc, định giá của các cơ quan đo đạc, định giá chưa có sự thống nhất. 
Nguyên nhân khách quan là do tình hình tội phạm diễn biến khó lường, nhiều loại tội phạm mới phát sinh, các thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi rất khó phát hiện, mức độ nguy hiểm cao; các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ người dân ngày càng nhiều, tính chất phức tạp (nhất là các tranh chấp liên quan đến đất đai, nợ vay, nợ hụi,…). Số lượng án Tòa án thụ lý tăng cao hơn so cùng kỳ (tăng 307 vụ so với năm 2013), tính chất các vụ án ngày càng phức tạp trong khi đội ngũ thẩm phán còn thiếu so với chỉ tiêu biên chế được phê duyệt, số lượng án mà mỗi thẩm phán phải giải quyết trong năm cao, bình quân mỗi thẩm phán giải quyết 102,5 vụ/năm, tăng 7,2 vụ so với năm 2013. Trình độ, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn thấp, có nhiều trường hợp đương sự cố tình tránh né không có mặt theo thông báo, giấy triệu tập của Tòa án, không hợp tác với các cơ quan đo đạc, định giá hoặc có hành vi chống đối, cản trở quyết liệt khi các cơ quan thực hiện việc đo đạc, định giá để phục vụ công tác xét xử đã làm ảnh hưởng đến thời gian giải quyết án của Tòa án.
Nguyên nhân chủ quan là công tác phối hợp giữa Tòa án với các cơ quan hành chính để thực hiện việc thu thập chứng cứ (như đo đạc, định giá,…) phục vụ công tác xét xử chưa được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ; tinh thần trách nhiệm trong khi thực hiện nhiệm vụ của một số đơn vị chưa cao. Công tác bố trí thẩm phán cho các Tòa án nhân dân cấp huyện chưa thật sự khoa học làm ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết án. Công tác kiểm tra, đôn đốc trong nội bộ ngành Tòa án cũng như kiểm tra trong công tác phối hợp giữa ngành Tòa án với các cơ quan hành chính chưa được quan tâm thực hiện tốt…
Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre kiến nghị, để nâng cao chất lượng hoạt động của ngành Tòa án tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu Thường trực Tỉnh ủy ban hành quy chế phối hợp giữa Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh với Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án để phục vụ công tác xét xử, đồng thời có ý kiến chỉ đạo cho cấp huyện xây dựng quy chế phối hợp tương tự như trên. Tham mưu Thường trực Tỉnh ủy quan tâm lãnh, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với ngành Tòa án để góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc mang tính chất phổ biến mà ngành Tòa án đang gặp hiện nay, đặc biệt là đối với những trường hợp mà đương sự cố tình chống đối, ngăn cản, không hợp tác với Tòa án và các cơ quan liên quan khi thực hiện công tác đo đạc, định giá, ... để phục vụ công tác xét xử, làm cho vụ án kéo dài không được giải quyết dứt điểm, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của các đương sự.
Kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường phối hợp với Tòa án để thực hiện công tác đo đạc, định giá, cung cấp chứng cứ ... theo yêu cầu của Tòa án nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác xét xử.
Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tỉnh cần có giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, năng lực xét xử của đội ngũ thẩm phán; quan tâm rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ thẩm phán, thư ký. Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp cho Tòa án nhân dân cấp huyện thực hiện tốt công tác xét xử. Chủ động xây dựng nguồn thẩm phán. Chú trọng công tác bố trí đội ngũ thẩm phán cho Tòa án nhân dân cấp huyện một cách khoa học hơn.
Chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng quy chế phối hợp để phục vụ công tác đo đạc, định giá theo yêu cầu của Tòa án; đồng thời, chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp huyện chủ động xây dựng quy chế phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xét xử…
Bùi Hoàng
(Đại đoàn kết)
;
.