Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)
(BNCTW) - Chiều 22-12-2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 33 với việc cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).
Đồng chí Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).
Theo đó, về Ban công tác Mặt trận (Khoản 2 Điều 6) còn hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, không nên hợp thức hóa mô hình Ban công tác Mặt trận ở thôn, làng, ấp, bản... trong Luật. Bởi Ban công tác Mặt trận không phải là một cấp trong hệ thống tổ chức của Mặt trận. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần quy định trong Luật về Ban công tác Mặt trận. Bởi, hiện nay Ban công tác Mặt trận được tổ chức rộng khắp và hoạt động ở các địa phương. Tại phiên họp, đa số các đại biểu tán thành phương án quy định Ban công tác Mặt trận trong dự thảo Luật. Do đó, việc luật hóa mô hình này trong Luật nhằm tạo điều kiện cơ sở pháp lý đổi mới phương thức công tác của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay theo phương châm hướng về cơ sở, tới khu dân cư, đảm bảo sát dân, gần dân.
Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng. Vấn đề này có 2 loại ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng cần thiết phải quy định vấn đề này trong Luật, ý kiến thứ hai cho rằng không quy định trong Luật. Thường trực Ủy ban pháp luật tán thành với ý kiến thứ nhất. Tại Phiên họp đa số các đại biểu tán thành ý kiến không quy định vấn đề này trong luật, vì không phù hợp với nguyên tắc Đảng “lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” được quy định tại Điều 4 của dự thảo Luật này, mặt khác vấn đề này đã được quy định trong các văn bản của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không có cơ sở pháp lý để giám sát tổ chức Đảng và đảng viên.
Về hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số ý kiến cho rằng, quy định phản biện xã hội chưa rõ, còn chung chung, phạm vi, đối tượng phản biện quá hẹp, chỉ phản biện dự thảo văn bản, không phản biện những chủ trương, chính sách hiện hành là không đầy đủ, đề nghị quy định rõ Mặt trận Tổ quốc được phản biện trên lĩnh vực nào. Có ý kiến đề nghị phản biện tất cả các loại văn bản. Tại Phiên họp, các đại biểu đồng tình với vấn đề phản biện trong quy trình xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ thủ tục giải trình của Ban soạn thảo đối với ý kiến phản biện của Mặt trận để tránh sự chồng chéo.
Về đoạn Mở đầu của Luật, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết quy định về đoạn Mở đầu như trong dự thảo Luật, nhiều ý kiến đề nghị không quy định về đoạn mở đầu, trường hợp cần thiết nhấn mạnh vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì nên thể hiện các nội dung này trong dự thảo Luật.
Nguyễn Hương