Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi)
(BNCTW) - Sáng 22-12-2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 33 (dự kiến diễn ra trong hai ngày 22 và 23-12).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân và Pháp lệnh cảnh sát môi trường; cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 8, cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII; cho ý kiến về việc chuẩn bị Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội vào tháng 3-2015 và thông qua chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế năm 2015 của các cơ quan của Quốc hội.
Tại Phiên làm việc sáng 22-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 33 |
Về báo cáo kiểm toán, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách và Cơ quan soạn thảo đề nghị sửa các quy định về báo cáo kiểm toán theo hướng chỉ 01 loại báo cáo của cuộc kiểm toán do Tổng Kiểm toán Nhà nước hoặc người được Tổng Kiểm toán Nhà nước ủy quyền ký tên, đóng dấu, trong báo cáo kiểm toán có phần Kết luận và Kiến nghị (phần Kiến nghị có giá trị bắt buộc đối với các đơn vị được kiểm toán phải thực hiện và là căn cứ để khiếu nại và giải quyết khiếu nại). Có ý kiến cho rằng kết luận và kiến nghị của cuộc kiểm toán chỉ mang tính khuyến nghị mà không mang tính bắt buộc.
Về đơn vị được kiểm toán, đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước, còn 2 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, ở đâu có tài chính, tài sản công là phải kiểm toán, theo đó cần kiểm toán doanh nghiệp có vốn và tài sản nhà nước (bao gồm cả doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống). Loại ý kiến thứ hai đề nghị chỉ kiểm toán đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Đa số các đại biểu tán thành với loại ý kiến thứ nhất, ở đâu có tài chính, tài sản công thì phải được kiểm toán, không phân biệt đối tượng quản lý, sử dụng và điều này phù hợp với quy định của Hiến pháp. Đồng thời, do sở hữu vốn khác nhau nên cần có cách thức kiểm toán khác nhau, có thể chia làm hai cách thức kiểm toán cho hai loại doanh nghiệp (loại thứ nhất đối với doanh nghiệp nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và loại thứ hai đối với doanh nghiệp nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ).
Về thời hạn kiểm toán, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị quy định thời hạn tối đa đối với một cuộc kiểm toán, bảo đảm sự minh bạch, tạo thuận lợi, chủ động cho các đơn vị được kiểm toán, tránh kéo dài gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán. Tại cuộc họp, có ý kiến cho rằng không nên quy định thời gian cứng mà tùy theo mức độ doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ mà quyết định thời gian, như vậy sẽ đảm bảo tính linh hoạt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động.
Về nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước, đa số các ý kiến cho rằng hiện nay trong hệ thống thiết chế chính trị của nước ta đều quy định là 5 năm, do vậy, đảm bảo sự thống nhất trong các thiết chế chính trị nên quy định chung, thống nhất nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước là 5 năm. Một số ý kiến đề nghị nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước nên giữ nguyên nhiệm kỳ là 7 năm, có ý kiến nên quy định là 2 nhiệm kỳ liên tục và không quá 2 nhiệm kỳ.
Nguyễn Hương