Mô hình Hội đồng tư pháp quốc gia của một số nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

Thứ Năm, 04/12/2014, 16:36 [GMT+7]

(BNCTW) - Ngày 04-12-2014, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình hợp tác về đối thoại nhà nước pháp quyền giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Cộng hòa Liên bang Đức, Bộ Tư pháp phối hợp với Viện Konrad Adennauer Stiftung (Viện KAS) tổ chức Hội thảo "Mô hình Hội đồng Tư pháp quốc gia của một số nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam".

Đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Nguyễn Khánh Hiển, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp và Bà Rabea Brauer, Trưởng đại diện viện KAS tại Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Mục tiêu của Hội thảo nhằm làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động của mô hình Hội đồng tư pháp quốc gia của một số nước trên thế giới, rút ra bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng mô hình Hội đồng tư pháp quốc gia trong tiến hình xây dựng Nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các chuyên gia trình bày các vấn đề về mô hình quản lý tòa án ở một số quốc gia trên thế giới; mô hình Hội đồng tư pháp quốc gia ở một số quốc gia theo chế độ đại nghị và kinh nghiệm cho Việt Nam; mô hình quản lý Tòa án của Việt Nam giai đoạn 1945-2002, những điểm kế thừa cho việc xây dựng mô hình quản lý tòa án mới; bối cảnh, sự cần thiết và những vấn đề đặt ra khi xây dựng mô hình Hội đồng tư pháp quốc gia trong Nhà nước pháp quyền định hướng XHCN tại Việt Nam; mô hình quản lý Tòa án hiện nay của Việt Nam, những vấn đề đặt ra trong việc bảo đảm tính độc lập xét xử và thực hiện quyền tư pháp của Tòa án; đề xuất mô hình Hội đồng tư pháp quốc gia tại Việt Nam.

Qua đó có thể thấy trên thế giới có 04 mô hình quản lý Tòa án: Mô hình do Bộ Tư pháp quản lý; mô hình tự quản do một đơn vị “trực thuộc Tòa án” độc lập với cơ quan lập pháp, hành pháp quản lý; mô hình kết hợp do đơn vị tự quản độc lập của Tòa án và Bộ Tư pháp cùng thực hiện; mô hình Tòa án phối hợp cùng cơ quan Đảng, chính quyền địa phương cùng thực hiện.

Phần lớn các nước trên thế giới áp dụng mô hình tự quản do một đơn vị “trực thuộc Tòa án” tự quản độc lập của Tòa án và Bộ Tư pháp cùng thực hiện trong việc quản lý hành chính Tòa án. Tuy nhiên, mô hình này cũng có sự khác biệt giữa các quốc gia. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, Canada, Úc, Liên bang Nga, cơ quan quản lý Tòa án là đơn vị độc lập không nằm trong bộ máy của Tòa án tối cao nhưng có thể gọi là “trực thuộc” Toà án tối cao vì lãnh đạo cơ quan này do Chánh án Tòa án tối cao bổ nhiệm theo sự tham vấn của Hội nghị tư pháp hoặc Hội đồng thẩm phán. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, cơ quan quản lý Tòa án nằm trong cơ cấu bộ máy của Tòa án tối cao. Ở Bungary, cơ quan quản lý Tòa án và Viện Công tố là Hội đồng Tư pháp tối cao với đa số các thành viên là Thẩm phán, Công tố viên. Ở Hungary, cơ quan quản lý là Văn phòng Tòa án quốc gia, Văn phòng này chịu sự giám sát của Hội đồng Tư pháp quốc gia với 15 thành viên gồm Chánh án Tòa án Công lý và 14 Thẩm phán.

Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, ở Việt Nam, Hiến pháp 2013  quy định “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Để thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan thực hiện quyền tư pháp, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra là cần tạo cơ chế vận hành hệ thống tòa án một cách thông suốt, hợp lý, trước hết là cơ chế quản lý tổ chức, con người với những nguyên tắc chung về quản lý nhà nước và những nội dung, cách thức đặc thù phù hợp với tính chất của cơ quan xét xử.

Nguyễn Hương

;
.