Luật Trưng cầu ý dân của một số nước - kinh nghiệm cho Việt Nam
Thứ Hai, 17/11/2014, 16:29 [GMT+7]
(BNCTW) – Trong 2 ngày 17 và 18 -11, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo về Luật Trưng cầu ý dân của một số nước - kinh nghiệm cho Việt Nam. Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Bảo đảm quyền pháp lý của người nghèo thông qua hỗ trợ cho Hội luật gia Việt Nam” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ.
Tham dự Hội thảo có đại diện Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện nghiên cứu lập pháp, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội.
Toàn cảnh Hội thảo |
Vấn đề trưng cầu ý dân đã được ghi nhận ngay từ Hiến pháp 1946 nhưng phải đến Hiến pháp 2013, vấn đề này mới được quy định rõ hơn. Theo đó, “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân” (Điều 29) và “Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội” (Điều 74). Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có Luật nào cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp, chưa quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện trưng cầu ý dân, do đó vấn đề này chưa được thực hiện trên thực tế. Hội thảo là cơ hội để tìm hiểu thêm về pháp luật và thực tiễn một số nước trên thế giới về trưng cầu ý dân, là cơ sở cho việc nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Trưng cầu ý dân ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày pháp luật về trưng cầu ý dân của Australia, Thụy Sỹ, Philippines và thực tiễn thi hành; quan điểm và định hướng nội dung cơ bản xây dựng dự thảo Luật Trưng cầu ý dân ở Việt Nam; một số vấn đề cần xin ý kiến chuyên gia khi xây dựng Luật Trưng cầu ý dân ở Việt Nam.
Kinh nghiệm ở Australia, Thụy Sỹ và Philippines cho thấy, việc trưng cầu dân ý được áp dụng đối với bất kỳ nội dung nào của Hiến pháp Liên bang và những vấn đề quan trọng của quốc gia như: thành lập, chia tách, bãi bỏ, sáp nhập các đơn vị hành chính địa phương; thành lập các đơn vị hành chính đô thị đặc biệt; thành lập các khu tự trị…
Mặc dù trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân của mỗi nước khác nhau, song ở những quốc gia này, việc thực hiện được tiến hành rất chặt chẽ, có sự tham gia của nhiều cơ quan, đặc biệt là một Ủy ban độc lập trong tổ chức trưng cầu ý dân. Cơ quan này có vai trò quan trọng trong cố vấn, tham mưu với Chính phủ các vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân cũng như cách thức tiến hành và thực hiện trên thực tế.
Tuy nhiên, xu hướng của các nước này cho thấy, việc thực hiện trưng cầu ý dân ngày càng hạn chế, bởi tỷ lệ thành công không cao, chi phí tốn kém và hiệu quả thấp, nhất là không phù hợp đối với việc quyết định những vấn đề mang tính cấp bách.
Những khuyến nghị đưa ra cho Việt Nam để tổ chức trưng cầu ý dân thành công là: trình tự, thủ tục cần đơn giản nhưng chặt chẽ; cơ chế cung cấp thông tin cho cử tri phải mang tính toàn diện, khách quan và công bằng; có một hệ thống bỏ phiếu liêm chính, trung thực và hiệu quả; có sự tham gia tích cực của xã hội dân sự…
Nguyễn Phương Thảo
;