Ủy ban Pháp luật cho ý kiến thẩm tra Dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương

Thứ Tư, 17/09/2014, 09:48 [GMT+7]

Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 17, sáng 16-9, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã cho ý kiến thẩm tra Dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương. Xoay quanh Dự án Luật này, nhiều vấn đề lớn về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, tên gọi “đơn vị hành chính tương đương” vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Theo Tờ trình ngày 12-9 của Chính phủ, hiện vẫn còn 8 vấn đề tranh luận cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó mỗi vấn đề Chính phủ đều đưa ra hai phương án để lựa chọn. Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương: Phương án một là không tổ chức HĐND ở quận, phường. Dựa trên căn cứ Điều 111 của Hiến pháp năm 2013 và kế thừa có chọn lọc kết quả thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, Dự án Luật quy định cụ thể mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo 3 địa bàn gồm nông thôn, đô thị và hải đảo (đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có Luật riêng). Phương án hai, HĐND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính, nhưng có đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND các cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Phiên họp (Ảnh: VOV)
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Phiên họp (Ảnh: VOV)

Đánh giá cao những điểm mới trong Dự thảo Luật, nhất là việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể UBND và cá nhân Chủ tịch UBND, nhưng các đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật cần phải xác định cụ thể đơn vị hành chính nào là nông thôn, đô thị, hải đảo để có quy định tổ chức chính quyền với những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể cho phù hợp; cần giải thích rõ cơ sở quy định không tổ chức HĐND ở quận, phường và việc cấp ngân sách tại các đơn vị này như thế nào. Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, Tờ trình nêu ra những vấn đề rất hay, nhưng cách giải quyết chưa hiệu quả và vẫn còn xin ý kiến quá nhiều vấn đề. Chính phủ cần phải dứt khoát và quyết đoán hơn trong lựa chọn và đưa ra những giải thích thuyết phục cho các phương án lựa chọn, tránh phức tạp thêm vấn đề.

Về tên gọi “đơn vị hành chính tương đương” thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, các đại biểu còn ý kiến trái chiều giữa việc quy định tên gọi là “thành phố” và chưa quy định tên gọi để chờ khi UBND thành phố trực thuộc Trung ương có đề nghị sẽ lựa chọn tên gọi phù hợp. Nhiều đại biểu cho rằng, với tên gọi “thành phố” sẽ có nhiều tranh luận khi đưa ra Quốc hội, nên cần nghiên cứu kỹ trước khi lựa chọn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay chưa phân định rõ về nông thôn, đô thị, hải đảo. Quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương chưa rõ ràng, còn gống nhau như quận, huyện và phường, xã, giữa địa phương - trung ương, địa phương - bộ, ngành… Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, mô hình tổ chức chính quyền địa phương còn khá phức tạp, trước mắt vẫn để hai phương án để lấy ý kiến rộng rãi trước khi có chọn lựa phù hợp. Cần phải có quy định và giải thích rõ về đặc thù mô hình chính quyền, phải có sự phân định rõ ràng mô hình tổ chức ở xã - phường, quận - huyện.

Về tên gọi “đơn vị hành chính tương đương”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên chọn phương án tên gọi “thành phố”. Nhiều nước trên thế giới đã có “thành phố thuộc thành phố”. Tuy đây là tên gọi mới ở nước ta, nhưng gọi nhiều sẽ thành quen. Quan trọng nhất là chúng ta quy định vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của “thành phố” này như thế nào cho phù hợp.

Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã tiếp thu và giải trình một số vấn đề đại biểu nêu tại phiên thẩm tra. Ông Nguyễn Thái Bình cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu kỹ các ý kiến về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn tại các cấp chính quyền… để báo cáo Chính phủ, hoàn thiện Dự thảo trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp sắp tới.

(Theo TTXVN)

;
.