Nguyên tắc tranh tụng của Cộng hòa Pháp
Thứ Năm, 25/09/2014, 15:13 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 23-9, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu lập pháp tổ chức Tọa đàm “Nguyên tắc tranh tụng Cộng hòa Pháp”. TS Lê Minh Hồng - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học, Viện nghiên cứu lập pháp chủ trì Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có đại diện của Ban Nội chính Trung ương, Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội và một số cán bộ, chuyên viên của Viện nghiên cứu lập pháp.
Về phía Cộng hòa Pháp có ông Christophe Thevenet, Luật sư Đoàn luật sư Paris Amco, AMCNB, Chủ tịch ANAAFA; ông Laurent Samama, Luật sư đoàn luật sư Paris Amco, Giám đốc Barreaus Entrepreneurial.
Tại buổi Tọa đàm, các luật sư của Cộng hòa Pháp đã trình bày về nguyên tắc tranh tụng trong pháp luật của Pháp. Đây là nguyên tắc “xương sống”, chủ đạo trong thủ tục tố tụng của Pháp, bảo đảm sự bình đẳng của các bên.
Theo đó, mỗi bên phải có quyền biết và tranh luận về bất cứ một văn bản hoặc ý kiến nào trước khi văn bản hoặc ý kiến đó được trình bày trước Thẩm phán. Nói cách khác, những tài liệu, văn bản không được gửi trước cho các bên theo thời hạn luật định sẽ không được đưa vào xem xét làm chứng cứ hoặc sử dụng để tranh luận tại Phiên tòa. Trong mọi trường hợp, Thẩm phán là “người lính gác” luôn phải kiểm tra, giám sát đảm bảo nguyên tắc tranh tụng giữa các bên. Thẩm phán phải bảo đảm các bên gửi cho nhau đầy đủ và kịp thời các văn bản, tài liệu của bên kia. Điều này nhằm bảo đảm cho một trong các bên có đủ thời gian để nghiên cứu và đưa ra quan điểm pháp lý phản bác lại lập luận của bên kia. Nếu một bên cung cấp chậm trễ, Thẩm phán có quyền loại bỏ văn bản đó ra khỏi quy trình tố tụng. Ngoài ra, kể từ thời điểm Thẩm phán ra Quyết định chấm dứt giai đoạn bút tụng, bất kỳ tài liệu, văn bản nào do các bên cung cấp cũng không được chấp nhận. Tuy nhiên, sự chặt chẽ của nguyên tắc tranh tụng này vẫn có những ngoại lệ của nó, đó là đối với những tranh chấp đơn giản, xét xử cấp thẩm, trong quá trình xét xử, một trong các bên có đưa ra văn bản, chứng cứ thì Thẩm phán sẽ tùy tình hình quyết định việc chấp nhận văn bản, chứng cứ đó hay không…
Kết thúc buổi Tọa đàm, đại diện của Viện nghiên cứu lập pháp nhấn mạnh, những kinh nghiệm này sẽ là thông tin quý báu để Việt Nam nghiên cứu, tham khảo trong quá trình hoàn thiện Bộ luật tố tụng hình sự trong giai đoạn hiện nay.
Phương Thảo
;