Nghệ An: Nâng cao công tác phối hợp trong giải quyết đơn khiếu kiện
Thứ Năm, 18/09/2014, 14:37 [GMT+7]
(BNCTW) - Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 16-7-2001 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”, các cấp ủy đảng, chính quyền, các Ban, ngành tỉnh Nghệ An đã thực hiện tốt công tác này và đạt những kết quả quan trọng.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể triển khai thực hiện tốt nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ về “chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo”. Chỉ đạo thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền để phổ biến các quy định của Luật tiếp công dân; Luật khiếu nại, tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, người đứng đầu các sở, ban, ngành, đoàn thể trong Tỉnh đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng; lấy hiệu quả công tác này là một tiêu chí để đánh giá trách nhiệm, năng lực, hiệu quả công tác của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Chủ tịch UBND các cấp, giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh thực hiện nghiêm túc việc chủ trì tiếp công dân định kỳ hàng tháng theo quy định. Thành lập hội đồng tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện để thực hiện công tác tiếp dân vào các ngày làm việc nhằm chủ động nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình, chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân tại cơ sở. Thực hiện tốt công tác hòa giải cơ cơ sở, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên để giải quyết kịp thời những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và các vụ việc tiềm ẩn có thể làm phát sinh khiếu nại, tố cáo. Chỉ đạo rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài để có kế hoạch giao nhiệm vụ cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho UBND các cấp có giải pháp để giải quyết dứt điểm khiếu kiện của công dân; thực hiện nghiêm các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
Kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân và tham mưu phân loại, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Các cơ quan ủy ban kiểm tra, thanh tra, công an, viện kiểm sát, tòa án các cấp trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ phải nắm chắc tình hình diễn biến của các vụ việc, những bức xúc của nhân dân dẫn đến khiếu kiện tập thể, phát sinh điểm nóng về đơn, thư ảnh hướng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn để tiếp tục tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy đảng, chính quyền giải quyết dứt điểm; thực hiện tốt công tác phối hợp trong giải quyết đơn khiếu kiện, khắc phục tình trạng chuyển đơn lòng vòng, không rõ trách nhiệm.
Hàng năm, UBND tỉnh cần rà soát các văn bản về cơ chế, chính sách nhằm phát hiện bất cập để bổ sung, sửa đổi kịp thời. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện với mục đích loại trừ nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ trong quá trình giải quyết, xử lý công việc để hạn chế đến mức thấp nhất việc phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo.
HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp phát huy vai trò giám sát tại cộng đồng; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác hòa giải các tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân, tuyên truyền sâu rộng các chính sách, pháp luật của nhà nước và vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm hạn chế công dân khiếu nại, tố cáo không đúng quy định.
Thanh Hiếu
;