Hội thảo góp ý dự thảo các quy định của Bộ luật hình sự (sửa đổi) liên quan đến tội phạm mua bán người

Thứ Ba, 09/09/2014, 15:21 [GMT+7]

Ngày 09-9, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo các quy định của Bộ luật hình sự (sửa đổi) liên quan đến tội phạm mua bán người”. Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ Commit năm 2014 với mục tiêu liên quan đến hỗ trợ sửa đổi pháp luật về phòng chống mua bán người.

Đại biểu đến từ Ban Nội chính Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật Đại học quốc gia Hà Nội và đại diện cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh… tham dự Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp đã giới thiệu Dự thảo các quy định của BLHS (sửa đổi) liên quan đến tội phạm mua bán người, mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em. Theo đó, các đề xuất sửa đổi, bổ sung tập trung vào hai nội dung: Các quy định của Phần chung và các quy định phần các tội phạm cụ thể.

Về các quy định của Phần chung của BLHS liên quan đến tội phạm mua bán người, dự thảo đề xuất quy định về nhóm tội phạm có tổ chức và các quy định đối với pháp nhân phạm tội. Theo đó, pháp nhân phạm tội là các pháp nhân kinh tế thực hiện một trong các tội phạm được quy định tại BLHS hoặc trong các luật khác có quy định về tội phạm và hình phạt. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân chỉ thực hiện khi có đủ 3 yếu tố (có cá nhân thực hiện hành vi phạm tội; hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân; hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân). Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân không làm loại trừ trách nhiệm hình sự của các cá nhân có liên quan đến việc thực hiện tội phạm của pháp nhân. Các hình phạt áp dụng đối với pháp nhân phạm tội là phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, giải thể, cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định và cấm huy động vốn.

Về các tội phạm cụ thể, dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về Tội mua bán người, Tội mua bán trẻ em và Tội chiếm đoạt trẻ em; đặc biệt, đã bổ sung 2 tội mới là Tội đánh tráo trẻ sơ sinh và Tội lợi dụng việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi. Theo đó, người nào đánh tráo trẻ sơ sinh dưới bất kỳ hình thức nào thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm; nếu lợi dụng việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm.

Tại Hội thảo, một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của BLHS đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế cũng như thể hiện sự tích cực thực hiện các cam kết quốc tế của nhà nước Việt Nam trong việc phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, nhất là tội phạm buôn bán người, buôn bán trẻ em. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc mô tả hành vi dưới hình thức liệt kê các tội danh mà nhóm tội phạm có tổ chức thực hiện sẽ không đầy đủ. Việc quy định về hình phạt tiền đối với pháp nhân như dự thảo là chưa phù hợp và dễ dẫn đến sự tùy tiện trong việc áp dụng, tạo kẽ hở cho pháp nhân phạm tội lợi dụng để trốn tránh việc chấp hành hình phạt tiền… Do vậy, đề nghị không quy định cứng thời hạn của việc nộp tiền phạt của pháp nhân; không quy định hình phạt giải thể pháp nhân. Đổi tên tội “mua bán người” thành “buôn bán người” để phản ánh đúng bản chất của các hành vi phạm tội này đồng thời đảm bảo tương thích với pháp luật quốc tế; cần mô tả rõ ràng yếu tố “trục lợi” trong Tội lợi dụng việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi…

Phương Thảo

;
.