Hoàn thiện chế định khởi tố, điều tra trong Bộ luật tố tụng hình sự
Thứ Bảy, 06/09/2014, 09:34 [GMT+7]
Ngày 5-9, tại Hải Phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức Hội thảo khoa học Hoàn thiện chế định chứng cứ và chứng minh, khởi tố, điều tra trong dự án Bộ luật tố tụng hình sự, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Thực hiện Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Đây là Dự án luật quan trọng, không chỉ liên quan đến các cơ quan tố tụng, mà còn có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội, đến các quyền thiêng liêng nhất của con người.
Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành được ban hành năm 2003, đã có những đóng góp tích cực cho việc xây dựng các thiết chế tố tụng hình sự tiến bộ và tháo gỡ nhiều vướng mắc đặt ra trong thực tiễn. Tuy nhiên, những kết quả đó chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng hình sự trong điều kiện cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm diễn biến nhanh và phức tạp hiện nay. Tiến trình cải cách tư pháp giai đoạn hiện nay đang đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với việc giải quyết vụ án hình sự nói chung và đối với việc khởi tố, điều tra, thu thập, đánh giá chứng cứ nói riêng.
Hội thảo tập trung thảo luận những nội dung sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự về chứng cứ, chứng minh và khởi tố, điều tra vụ án hình sự. Đối với chứng cứ, chứng minh, dự thảo Bộ luật sửa đổi, bổ sung những nội dung sau: quyền đưa ra chứng cứ (Điều 82, Điều 85) cho những người tham gia tố tụng khác (ngoài quy định cho người bào chữa); 3 nguồn chứng cứ để phù hợp với thực tiễn giải quyết vụ án hình sự (gồm lời khai của người bị tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; kết luận định giá tài sản; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp); khái niệm về chứng minh và quy định các yêu cầu đối với hoạt động chứng minh (Điều 79). Về khởi tố vụ án hình sự và điều tra vụ án hình sự, dự thảo Bộ luật quy định về: tố giác tội phạm, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Điều 141); quy định rõ các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết và thủ tục tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Điều 142, Điều 145); sửa thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có thể kéo dài đến 4 tháng thay vì 2 tháng như hiện nay (Điều 145); bổ sung quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong trường hợp đã trưng cầu giám định nhưng chưa có kết quả giám định (Điều 148); điều chỉnh thẩm quyền khởi tố vụ án cho phù hợp với vị trí, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng; mở rộng diện cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đối với lực lượng Kiểm ngư, Thuế (Điều 161); thể chế hóa yêu cầu của Đảng về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với điều tra và một số điều luật mới được bổ sung sau tổng kết 10 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự và tiếp thu kinh nghiệm của các nước ngoài...
Các đại biểu tham dự Hội thảo nhất trí cao với nhiều nội dung trong dự thảo Bộ luật, nhất là các quan điểm mang tính đột phá, thể hiện chủ trương cải cách tư pháp, đề cao vị trí, vai trò của người bào chữa nói chung, luật sự nói riêng, thể hiện nguyên tắc tranh tụng trước tòa đã được Hiến pháp năm 2013 quy định. Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận các quy định về hoạt động chứng minh, thu thập và bảo quản vật chứng; tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; quy định mới về những vấn đề không phải chứng minh trong vụ án hình sự...
Đặng Trang
(Báo Đại đoàn kết)
;