Thành lập Ban tiếp công dân Trung ương

Thứ Tư, 16/07/2014, 10:31 [GMT+7]

Ngày 15-7, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức công bố quyết định thành lập Ban tiếp công dân Trung ương. Tham dự lễ công bố có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Luật Tiếp công dân có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014. Hoạt động tiếp công dân đã được cụ thể hóa thành luật là cơ sở pháp lý  vững chắc tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

Quang cảnh buổi Lễ
Quang cảnh buổi Lễ

Để Luật tiếp công dân được thực hiện có hiệu quả, ngày 14-7-2014 Tổng Thanh tra Chính phủ đã ký Quyết định số 1616/QĐ-TTCP thành lập Ban tiếp công dân Trung ương, thay thế Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư quy định tại điều 3, Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 9-10-2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ  chức của Thanh tra chính phủ
Ban tiếp công dân Trung ương được thành lập trên cơ sở kế thừa các hoạt động của Vụ tiếp dân và xử lý đơn thư của Thanh tra Chính phủ, giúp Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội lắng nghe, ghi nhận những nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân trong phạm vi cả nước. Ban tiếp công dân Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đúng trình tự, thủ tục, đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết...
Phát biểu tại Lễ công bố, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự vui mừng trước sự ra đời của Ban tiếp công dân Trung ương theo Luật Tiếp công dân, đồng thời tin tưởng sự ra đời của Ban sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác tiếp công dân trong tình hình mới. Theo Phó Thủ tướng, Ban tiếp công dân hoạt động nhưng không làm thay cho Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước từ cơ sở đến Trung ương, làm tốt việc tiếp công dân là thể hiện bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta.
Đồng chí yêu cầu, mỗi cán bộ của Ban tiếp công dân Trung ương phải hiểu sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ của mình và Ban cần khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác này.
Để thi hành Luật Tiếp công dân và Ban tiếp công dân hoạt động hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Tiếp công dân và tạo hành lang pháp lý cho Ban tiếp công dân Trung ương và các cấp hoạt động hiệu qủa như ban hành quy trình nghiệp vụ tiếp công dân, chế độ tài chính đối với cán bộ tiếp công dân, xây dựng quy chế phối hợp tiếp công dân tại Trụ sở Ban tiếp công dân Trung ương, đồng thời đây cũng là quy chế mẫu cho các cơ quan tiếp công dân tại các bộ, ngành, địa phương.
Định kỳ và đột xuất, Tổng Thanh tra và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp tiếp công dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, khiếu nại, tố cáo. Phân công rõ trách nhiệm và sự phối hợp của Thanh tra Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong công tác tiếp công dân, bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực cho Ban tiếp công dân với chủ đầu tư là Thanh tra Chính phủ.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cử những cán bộ có năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm tham gia tiếp dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Thanh tra Chính phủ trong việc tiếp công dân.
Ban tiếp công dân Trung ương có trụ sở tại số 1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Ông Nguyễn Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư, Thanh tra Chính phủ giữ chức Trưởng Ban.

Đăng Linh

;
.