Phiên họp lần thứ hai nhóm chuyên gia tư vấn xây dựng Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

Thứ Tư, 16/07/2014, 17:02 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 15-7, Bộ Tư pháp tổ chức Phiên họp lần thứ hai nhóm chuyên gia tư vấn xây dựng Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Phiên họp.  
Quang cảnh Phiên họp
Quang cảnh Phiên họp
Phiên họp lần này tập trung vào những nội dung lớn đề xuất sửa đổi, bổ sung Phần chung của Bộ luật Hình sự (BLHS) với ba vấn đề lớn:
(1) một số nội dung lớn sửa đổi, bổ sung Phần chung của BLHS, các quy định liên quan đến vấn đề tội phạm, hình phạt và chính sách hình sự đối với người chưa thành niên. (2) một số nội dung mới dự kiến bổ sung vào BLHS làm thay đổi quan niệm truyền thống về tội phạm, hình phạt và chính sách hình sự, quy định tội phạm và hình phạt trong các đạo luật chuyên ngành, trách nhiệm hình sự pháp nhân, áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. (3), dự kiến điều chỉnh lại cấu trúc Phần chung của BLHS.
Theo Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 22-3-2014 của Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2014, Chính phủ thống nhất về đề xuất của Bộ Tư pháp những định hướng lớn xây dựng BLHS (sửa đổi) và nhấn mạnh một số vấn đề cơ bản sau đây:
Giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ. Hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình. Mở rộng phạm vi áp dụng chế định loại trừ trách nhiệm hình sự. Hoàn thiện hơn nữa chính sách hình sự liên quan đến người chưa thành niên.
Mở rộng nguồn của pháp luật hình sự một cách hợp lý theo hướng, một số tội phạm cụ thể có tính chất đặc thù cao và hình phạt với các tội phạm đó có thể được quy định trong các luật chuyên ngành để bảo đảm tính kịp thời và linh hoạt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Cần thiết phải quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân kinh tế, trên cơ sở nghiên cứu, xác định rõ những vấn đề cụ thể có liên quan, bảo đảm phù hợp với thực tiễn nước ta và tính khả thi.
Thực hiện phi hình sự hóa một số tội phạm được quy định trong BLHS hiện hành không còn phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của nước ta. Đồng thời, hình sự hóa một số hành vi vi phạm có tính nguy hiểm cao cho xã hội chưa được quy định trong BLHS, nội luật hóa các quy định có tính ràng buộc của các công ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Tại Phiên họp, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung cơ bản sau: Về tội phạm và phân loại tội phạm, việc dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là vấn đề mới của pháp luật hình sự Việt Nam, do vậy, cần tính toán việc định nghĩa lại khái niệm tội phạm tại khoản 1, Điều 8 BLHS hiện hành. Một số ý kiến cho rằng việc phân loại tội phạm hiện nay dựa vào mức độ nguy hiểm của hành vi là chưa phù hợp, gây bất cập trong thực tiễn áp dụng, cần tính toán bổ sung yếu tố lỗi và mức hình phạt là cơ sở để phân loại tội phạm.
Cần giảm việc áp dụng chế tài phạt tù và tăng các hình phạt không tước tự do. Đồng thời, cần tăng tính cưỡng chế của các hình phạt không tước tự do như cần có điều kiện thử thách cho người phạm tội và hoàn thiện cơ chế giám sát nhà nước và xã hội đối với việc thực thi hình phạt loại này. 
Nghiên cứu để xây dựng tội danh tham gia tổ chức tội phạm. Thực tế, cho thấy việc một người tham gia tổ chức tội phạm và thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan chức năng, trong nhiều trường hợp, gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứng minh hành vi phạm tội của họ (đặc biệt là những người đứng đầu, chỉ huy tổ chức tội phạm). Tuy nhiên, việc có những bằng chứng chứng minh một người tham gia tổ chức tội phạm là dễ dàng hơn, do vậy, việc xây dựng tội danh tham gia tổ chức tội phạm sẽ làm giảm nhẹ trách nhiệm chứng minh của cơ quan chức năng. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng cần làm rõ thế nào là tổ chức tội phạm, các dấu hiệu pháp lý để xác định tổ chức tội phạm.
Đối với người phạm tội là người chưa thành niên cần tính tới việc tăng cường các chế tài không tước tự do, các nguyên tắc xử lý đặc thù, thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự, xóa án tích. Đặc biệt, cần xây dựng các hình thức xử lý chuyển hướng (biện pháp hình sự được chuyển hướng, thay thế bằng biện pháp hành chính) và việc cần thiết có Tòa gia đình và người chưa thành niên. 
Một vấn đề quan trọng nữa là việc mở rộng nguồn của pháp luật hình sự. Ý kiến ủng hộ việc mở rộng nguồn cho rằng cần bảo đảm tính dự báo kịp thời, tính đặc thù của các loại tội phạm trong các lĩnh vực chuyên ngành và tránh việc sửa đổi nhiều lần BLHS; đồng thời, theo kinh nghiệm của nhiều nước, BLHS chỉ quy định các nội dung cơ bản, thông dụng, ổn định nhất và các tội phạm mang tính truyền thống, còn các tội phạm mang tính chuyên biệt sẽ được quy định trong các luật chuyên ngành tương ứng. Tuy nhiên, ý kiến không tán thành cho rằng các quy phạm pháp luật hình sự và xác định tội phạm liên quan trực tiếp đến các quyền cơ bản của con người, bởi vậy, cần phải được pháp điển hóa thống nhất duy nhất trong BLHS.
Về trách nhiệm hình sự pháp nhân (TNHSPN), ý kiến tán thành việc nên quy định TNHSPN để đảm bảo việc xử lý đúng với mức độ hành vi nguy hiểm cho xã hội của pháp nhân phạm tội và trách nhiệm chứng minh hành vi phạm tội sẽ được chuyển cho Nhà nước là người có đầy đủ nguồn lực để tiến hành. Tuy nhiên, một số ý kiến phân vân việc quy định TNHSPN sẽ dẫn đến việc những cổ đông phải chịu các thiệt hại do hành vi phạm tội của những người điều hành công ty và cần lường trước việc hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.
Cần nghiên cứu để quy định các tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tư, cụ thể là hối lộ và tham ô trong lĩnh vực tư. Việc quy định này dựa trên các cơ sở sau: Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 2013 bảo đảm các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng và sở hữu tư nhân được bảo hộ; cần nội luật hóa các quy định Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc mà Việt Nam là quốc gia thành viên; hiện nay và trong thời gian tiếp theo sự đan xen các hình thức sở hữu sẽ diễn ra phổ biến, phức tạp và rất khó xác định rõ ràng, cụ thể từng loại hình sở hữu.
Nguyễn Hà Thanh
;
.