Lấy ý kiến xây dựng các Thông tư hướng dẫn về tiếp dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo

Thứ Năm, 12/06/2014, 15:18 [GMT+7]
Vừa qua, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến đóng góp, xây dựng Dự thảo sửa đổi Thông tư hướng dẫn quy trình tiếp công dân và Thông tư hướng dẫn quy trình xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Thanh tra, Văn phòng UBND, Văn phòng tiếp công dân các tỉnh, thành phía Nam. 
Tiếp công dân của cán bộ Trụ sở tiếp công dân tỉnh Sóc Trăng
Tiếp công dân của cán bộ Trụ sở tiếp công dân tỉnh Sóc Trăng
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã được tiếp thu Dự thảo Thông tư quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị thay thế Thông tư 04/2010/TT-TTCP và dự thảo Thông tư hướng dẫn quy trình tiếp công dân thay thế Thông tư 07/2011/TT-TTCP.
Thông tư hướng dẫn quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị  gồm 5 chương, 32 điều, có phạm vi điều chỉnh mở rộng hơn so với Thông tư 04. Trong đó, gồm cả đơn phản ánh, kiến nghị nói chung. Ngoài ra, Thông tư có thay đổi, bỏ cụm từ “Liên quan đến khiếu nại, tố cáo” cho phù hợp với quy định tại Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 3-10-2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại 2011.
Thông tư hướng dẫn quy trình tiếp công dân gồm 6 chương, 36 điều và 11 biểu mẫu ban hành kèm theo. So với Thông tư 07, phạm vi điều chỉnh đã được cụ thể, làm rõ theo quy định của Luật Tiếp công dân và Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân. Đối tượng áp dụng cũng được mở rộng hơn. Trong đó, bổ sung thêm các đơn vị là: Các cơ quan thuộc Chính phủ và đơn vị sự nghiệp công lập; Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết và cấp bách của việc xây dựng các Thông tư nói trên. Các đại biểu cho rằng, Thông tư phải cụ thể, chi tiết, tránh chung chung, hây khó hiểu; cần sửa đổi lại một số từ ngữ cho phù hợp, bỏ những đoạn, câu có nội dung không rõ ràng, trùng lắp... Thông tư quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị nên bỏ điều 11; nghiên cứu soạn thảo lại điều 17, điều 21 cho phù hợp; ở điều 15, đối với đảng viên cần xử lý theo vi phạm điều lệ Đảng và vi phạm pháp luật; tại khoản 2 điều 30 phải quy định cụ thể, chi tiết hơn...
                                                                            Kiều Phương Giang
                                                                          (Báo Điện tử ĐCSVN)
;
.