Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo 5 tháng đầu năm của 18 tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên

Thứ Hai, 02/06/2014, 10:02 [GMT+7]
Tính đến hết tháng 5-2014, Thanh tra của 18 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã triển khai 736 cuộc thanh tra (639 cuộc theo kế hoạch và 9 cuộc đột xuất), kết thúc được 344 cuộc. Thanh tra chuyên ngành trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực này đã tiến hành 6.313 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trên các lĩnh vực đối với 23.051 tổ chức, cá nhân. 
Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả hoạt động các tháng đầu năm 2014 18 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên
Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả hoạt động các tháng đầu năm 2014 18 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên
Riêng Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận 08 cuộc thanh tra, 02 kết luận kiểm tra; xây dựng và hoàn thiện 16 kết luận thanh tra, 03 kết luận kiểm tra; tiếp tục tiến hành 10 cuộc thanh tra. Qua đó, đã đánh giá, kết luận những ưu điểm, tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng, lĩnh vực tài chính của các cơ quan, tổ chức; kiến nghị biện pháp xử lý, chấn chỉnh; phát hiện sơ hở, bất cập, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện của cơ chế, chính sách. Công tác giám sát, kiểm tra, thẩm định trong hoạt động thanh tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra được quan tâm, tăng cường và có kết quả rõ nét, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra. 
Các cơ quan thanh tra thuộc các tỉnh, thành phố trong khu vực cũng đã tiến hành 110 cuộc thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng tại 237 đơn vị; phát hiện 33 đơn vị vi phạm, kiến nghị xử lý 38 tổ chức, 96 cá nhân. 
Bên cạnh đó, trong 5 tháng đầu năm 2014, Thanh tra các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã tích cực tham mưu giúp Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là việc rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người. Thực hiện nhiều giải pháp tích cực như tăng cường đối thoại, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị, giải quyết dứt điểm vụ việc ngay tại cơ sở. Việc triển khai Kế hoạch 2100, Kế hoạch 1130 của Thanh tra Chính phủ đã bám sát sự chỉ đạo của Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo địa phương, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, tác động tích cực, góp phần bảo đảm an ninh và trật tự xã hội. 
Ngoài ra, Thanh tra 18 tỉnh, thành phố khu vực này đã tích cực tham mưu, giúp UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như: Kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; công khai, minh bạch, thực hiện các quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng, triển khai việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013-2014. Đồng thời, tiến hành các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tập trung vào lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, ngân sách nhà nước, các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao... do đó hiệu quả được nâng lên rõ rệt; góp phần giữ vững trật tự, kỷ cương tại các địa phương.
T.H
;
.