Hội thảo khoa học "Hiến pháp 2013 và vấn đề đổi mới tố tụng hình sự ở Việt Nam"

Thứ Hai, 02/06/2014, 09:28 [GMT+7]
Ngày 30-5, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Chính sách công và Pháp luật phối hợp với tỉnh An Giang tổ chức hội thảo khoa học “Hiến pháp 2013 và vấn đề đổi mới tố tụng hình sự ở Việt Nam”. 
12 tham luận trình bày tại hội thảo xoay quanh những điểm mới trong Hiến pháp 2013; những nguyên tắc về suy đoán vô tội, nguyên tắc hiến định quan trọng đối với việc đổi mới tố tụng hình sự Việt Nam; nguyên tắc hai cấp xét xử và yêu cầu đổi mới tòa án nói chung và trong lĩnh vực tố tụng hình sự; bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội và quyền bảo vệ lợi ích của đương sự trong vụ án hình sự, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo và bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng hình sự Việt Nam…
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Hiến pháp 2013 ra đời trong bối cảnh mới, thể hiện tư duy chính trị xã hội mới, với nhiều bối cảnh xã hội dân chủ pháp quyền mới. Hiến pháp nâng cao vai trò tranh tụng trong xét xử đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện quyền tư pháp, làm sáng tỏ tranh tụng khách quan, tạo môi trường dân chủ bình đẳng, công khai, minh bạch trong quan hệ tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho công dân, qua đó còn cho thấy trách nhiệm của Nhà nước chăm lo cho đất nước, cho con người. 
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đào Trí Úc, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, Hiến pháp 2013 khẳng định quyền lực của nhân dân. Quan điểm chủ đạo của Đảng, Nhà nước khi ban hành Hiến pháp 2013 là nhằm tiếp tục phát huy nhân tố con người, thể chế hóa sâu sắc quan điểm tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Con người và quyền con người là giá trị quan trọng, là đối tượng ưu tiên được bảo hộ của pháp luật trong tố tụng hình sự. Trong nguyên tắc về suy đoán vô tội, nguyên tắc hiến định quan trọng được toàn thế giới ghi nhận trong nhiều văn kiện Quốc tế như Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948, Công ước của Liên hợp quốc về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Ông còn nhận định, thực tiễn tố tụng hình sự ở Việt Nam đang đối diện với một số vấn đề lớn, như vấn đề tiếp cận công lý, oan, sai trong các vụ án hình sự.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hồng Anh, Viện nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) chỉ rõ, Hiến pháp 2013 ra đời tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nhằm tiến tới mục tiêu đưa đất nước trở thành nước công nghiệp phát triển ở mức trung bình vào năm 2020. Một trong điểm mới quan trọng của Hiến pháp là chế định quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền của công dân trong tố tụng hình sự, nhưng từ thực tiển cho thấy quyền của bị can, bị cáo chưa được thực hiện một cách hữu hiệu. Bị can, bị cáo có quyền được bào chữa nhưng không được quyền đọc, ghi chép hay sao chụp hồ sơ tài liệu trong vụ án có liên quan. Ngoài ra pháp luật tố tụng hình sự hiện hành không phân biệt được tính hợp pháp và giá trị chứng minh của nội dung các biên bản hỏi cung bị can có sự tham gia của người bào chữa. Vì vậy theo ông cần bổ sung làm rõ nguyên tắc suy đoán vô tội, bổ sung qui định bảo đảm quyền của bị can, bị cáo; tăng cường các yếu tố đảm bảo thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử vụ án hình sự.../.
                                                                                                  (Theo TTXVN)
;
.