Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm về các tội phạm rửa tiền, mua bán người và tham nhũng

Thứ Năm, 19/06/2014, 14:19 [GMT+7]


(BNCTW) - Ngày 18-6-2014, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tổng chưởng lý Ôxtrây-lia hợp tác tổ chức Tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm hoàn thiện pháp luật hình sự về các tội phạm rửa tiền, mua bán người và tham nhũng”. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp và ông Luke-Brown, Vụ trưởng Vụ tương trợ Tư pháp, Bộ Tổng chưởng lý Ô-xtrây-lia đồng chủ trì.
Tham gia Tọa đàm có đại diện Ban Nội chính Trung ương, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Ban soạn thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), Ngân hàng Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp,...
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã trình bày các tham luận và trao đổi một số nội dung chính như: Kinh nghiệm của Ô-xtrây-lia trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật hình sự về phòng, chống rửa tiền và mua bán người; Pháp luật Việt Nam về phòng, chống rửa tiền và một số đề xuất hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự về phòng, chống rửa tiền; Hệ thống pháp luật Việt Nam về phòng, chống tham nhũng và những định hướng sửa đổi các quy định của Bộ luật hình sự về các tội phạm tham nhũng.
Bàn về các tội phạm rửa tiền, tham nhũng hiện nay ở Việt Nam, các chuyên gia đánh giá hệ thống pháp luật Việt Nam có khá nhiều luật và văn bản quy phạm pháp luật đề cập như: Bộ luật hình sự; Luật phòng, chống tham nhũng; Luật phòng, chống rửa tiền; Luật cán bộ công chức, một số các Nghị định, Thông tư khác…. Tuy nhiên, có một số quy định chưa đầy đủ; khái niệm tham nhũng theo quy định của Bộ luật hình sự 1999 còn hẹp so với Luật phòng, chống tham nhũng hoặc quy định của một số nước trên thế giới, nội dung một số dấu hiệu cấu thành tội phạm thiếu hợp lý, quy định hình phạt đối với tội tham nhũng còn nặng về cải tạo, giam giữ…
Do đó, các chuyên gia đề xuất một số quan điểm, định hướng sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực này như: nghiên cứu để quy định các loại tội phạm này trong luật “vệ tinh” - luật chuyên ngành (Luật phòng, chống tham nhũng, Luật phòng, chống rửa tiền....). Đối với quy định về nhóm tội tham nhũng, nghiên cứu sửa đổi sao cho phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, mở rộng phạm vi khái niệm tham nhũng (mở rộng thêm khu vực tư, chủ thế có yếu tố quốc tế…). Bổ sung cơ chế thực hiện phòng ngừa tham nhũng, rửa tiền là việc kê khai tài sản. Quy định kê khai tài sản phải rõ ràng, chính xác, minh bạch. Quy định thêm một tội danh về vi phạm việc kê khai tài sản. Mở rộng hình phạt chính như quy định phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tiền đối với những trường hợp phạm tội nghiêm trọng. Quy định phạt tiền hoặc tịch thu tài sản là hình phạt bổ sung bắt buộc đối với người phạm tội về tham nhũng, rửa tiền…

Nguyễn Hương

;
.