Thẩm tra dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)
Thứ Hai, 10/03/2014, 11:46 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 7-3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể để thẩm tra dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Đây là phiên họp để chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 26 (tháng 3-2014).
Tham dự Phiên họp có đồng chí Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp; các Phó chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực của Ủy ban Tư pháp; đại biểu Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Liên đoàn luật sư Việt Nam.
Quang cảnh Phiên họp |
Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức bộ máy và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thi hành trên thực tế, Luật đã không còn phù hợp, không bao quát hết nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong điều kiện mới; chưa quy định các cơ chế để bảo đảm cho Viện kiểm sát thực hiện được đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm; chưa quy định biện pháp xử lý trong trường hợp Viện kiểm sát đề ra yêu cầu, kiến nghị mà các chủ thể có liên quan không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, dẫn đến hiệu quả của kiểm soát quyền lực và thực thi quyền lực còn hạn chế…
Hiến pháp 2013 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6, bên cạnh việc tiếp tục khẳng định chức năng của Viện kiểm sát nhân dân là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp đã có những sửa đổi, bổ sung làm rõ hơn nhiệm vụ và nguyên tắc hoạt động của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; sửa đổi quy định về hệ thống tổ chức của Viện kiểm sát cho phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp. Do đó, việc sửa đổi Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 là cần thiết, đã được Quốc hội khóa XII đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII.
Tại Phiên họp, ông Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trình bày Tờ trình về dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Theo đó, việc xây dựng Luật nhằm cụ thể hóa các quy định về Viện kiểm sát nhân dân trong Hiến pháp năm 2013; tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp; bảo đảm thiết chế Viện kiểm sát nhân dân có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới.
Các thành viên của Ủy ban Tư pháp và đại biểu đã tập trung, đóng góp ý kiến đối với những vấn đề mới, quan trọng thể hiện trong Tờ trình và dự thảo Luật, bao gồm: vai trò của Ủy ban kiểm sát; nhiệm vụ của kiểm sát viên; ngạch kiểm sát viên; cơ chế tuyển chọn kiểm sát viên; nhiệm kỳ kiểm sát viên; tuổi làm việc áp dụng đối với ngạch Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thẩm quyền điều tra của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; thẩm quyền của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân; trách nhiệm thực hiện công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm của Viện kiểm sát nhân dân và thẩm quyền quyết định biên chế, số lượng, cơ cấu kiểm sát viên, điều tra viên, viên chức và nhân viên của Viện kiểm sát nhân dân.
Nguyễn Phương Thảo
;