Bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII: Nâng cao năng lực, trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ pháp luật

Thứ Sáu, 08/11/2013, 10:56 [GMT+7]

Ngày 7-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về kết quả công tác của các cơ quan tư pháp Trung ương năm 2013. Bên lề Quốc hội, các đại biểu đã trao đổi về các nội dung liên quan tới việc nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp.

* Tiến trình cải cách tư pháp dân chủ, công khai, minh bạch, chặt chẽ hơn

Đánh giá về công tác thi hành án trong thời gian qua, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) nhận định: Tỷ lệ án oan sai ngày càng giảm. Trước đây, tỷ lệ các vụ án hình sự oan sai không nhỏ, nhưng những năm gần đây, tỷ lệ án sai phải sửa vẫn có nhưng án oan rất ít. Đặc biệt là sau khi Nghị quyết 338/2003/NQ-UBTVQH 11 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra, các cơ quan tiến hành tố tụng rất thận trọng trong hoạt động. "Việc cân đối giữa tránh lọt và tránh oan về cơ bản là tốt" - đại biểu Chu Sơn Hà nói.

Theo đại biểu Chu Sơn Hà, nguyên nhân khách quan của việc tỷ lệ án oan giảm, là do hoạt động tố tụng ngày càng được tiến hành dân chủ và công khai. Bên cạnh đó, một yếu tố chủ quan rất quan trọng là các cơ quan tư pháp tăng cường trách nhiệm trong từng vị trí, từng chức danh tư pháp theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đã được Bộ luật Tố tụng hình sự cụ thể hóa. Việc tăng cường trách nhiệm với quá trình tố tụng chặt chẽ đã giảm được án oan sai, đồng thời do quá trình hoạt động tư pháp ngày càng phức tạp, trình độ của các cán bộ thi hành án được nâng cao hơn, nhiều thẩm phán được đào tạo cơ bản...

Kết quả giám sát mới đây của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho thấy, án phải sửa về hình sự chiếm tỷ lệ thấp nhất, phải sửa nhiều nhất là án dân sự, án kinh tế. Tuy nhiên, đại biểu Chu Sơn Hà cũng chỉ ra rằng, việc xét xử đòi hỏi bề dầy kinh nghiệm, muốn có nhiều kinh nghiệm, phải làm nhiều, phải được hành nghề nhiều. Đại biểu Chu Sơn Hà cũng bày tỏ quan điểm, để xảy ra những vụ oan sai trong thời gian qua là "điều hết sức đáng tiếc". Tuy nhiên, công cuộc cải cách tư pháp phải nhìn trên tổng thể, không thể lấy cá biệt để đánh giá toàn diện tiến trình cải cách tư pháp, bởi tiến trình cải cách tư pháp Việt Nam ngày hôm nay đã dân chủ hơn, công khai, minh bạch, chặt chẽ hơn, bảo đảm quyền con người. "Còn ở đâu đó, với những vụ việc cụ thể nào đó còn vi phạm là những cá nhân trong quá trình đánh giá chứng cứ, đồng thời trách nhiệm chưa được tăng cường đúng mức, chứ không thể lấy cá nhân để nói toàn bộ công cuộc cải cách tư pháp của nước ta có vấn đề" - đại biểu Chu Sơn Hà khẳng định.

* Những vụ án oan sai - bài học cho những người làm công tác bảo vệ pháp luật
Quan tâm đến các vụ án oan sai, đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) chia sẻ: Công tác trong ngành tòa án, tham gia nhiều vụ xét xử, mỗi khi nghe thông tin về những vụ án oan sai, bà không khỏi đau xót, bởi việc này không chỉ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người bị kết tội sai, mà cả người thân trong gia đình họ. Những vụ án oan sai là bài học cho những người làm công tác bảo vệ pháp luật rút kinh ngiệm trong quá trình thực hiện nghiệp vụ.

Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình nhấn mạnh: Những người làm công tác bảo vệ pháp luật cần phải rà lại tất cả các bước tiến hành tố tụng, hành vi tiến hành tố tụng của những người thực hiện để xem sai ở khâu nào: Thu thập chứng cứ, lấy lời khai hay không đảm bảo tác nghiệp chuyên môn. Tiến hành không chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ oan sai.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng bên cạnh xem xét khách quan những chứng cứ thu thập được, những người thực thi nhiệm vụ bảo vệ pháp luật cũng cần nâng cao trình độ, năng lực để giảm tối đa những vụ án oan sai. "Chứng cứ là vấn đề hết sức quan trọng, do vậy phải căn cứ vào chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra. Nếu chứng cứ đó khách quan, cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá khách quan sẽ tránh oan sai. Nếu chủ quan và sự phối hợp làm việc không tốt sẽ dẫn tới oan sai" - đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nhận định.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) cho rằng để hạn chế sai sót, Bộ luật Tố tụng hình sự cần phải hoàn chỉnh hơn, đồng thời tăng cường trách nhiệm của những người làm công tác tố tụng; nâng cao trình độ của những người làm công tác điều tra, kiểm sát, công tố, thi hành án. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tất cả người dân cần có ý thức trong đấu tranh phòng ngừa tội phạm.

* Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan thi hành pháp luật Đánh giá cao Nghị quyết 37/2012/QH13 của Quốc hội về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013, đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) khẳng định: Nghị quyết ra đời rất đúng lúc và kịp thời. Nhờ đó, thời gian qua, các cơ quan thi hành pháp luật có những động thái rất tích cực. Những chỉ tiêu mà Quốc hội đưa ra rõ ràng là một “sức ép” đối với các cơ quan này trong việc giảm tỷ lệ các vụ án oan sai do xét xử. Đó là một dấu hiệu tích cực.

Đề cập trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan thi hành pháp luật, đại biểu Lê Thanh Vân khẳng định: Một yếu tố nhằm giúp việc chấp hành nghiêm pháp luật, đó là trách nhiệm của người đứng đầu phải giải quyết các yêu cầu, kiến nghị của đại biểu Quốc hội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Điều này đang bị xem nhẹ. Người đứng đầu một cơ quan thực thi pháp luật nếu nhận được những yêu cầu, kiến nghị của người dân, cần quan tâm xem xét, từ đó chỉ đạo các cơ quan cấp dưới điều tra, rà soát. Do đó, cần phải có cơ chế để những người đứng đầu các cơ quan nhà nước tối cao thực sự vào cuộc, xem xét những nỗi oan khiên của người dân để chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra đến nơi đến chốn.

Đại biểu Lê Thanh Vân lưu ý, cần có cơ chế bảo vệ những người đã thực hiện việc tố giác tội phạm, tố giác hành vi tham nhũng, có như vậy, họ mới yên tâm, dũng cảm tố cáo tội phạm. Nên coi công tác phòng, chống tham nhũng là một mặt trận chống giặc nội xâm, không chỉ có các chiến sỹ trên mặt trận bảo vệ pháp luật mà cần có sự cộng hưởng, tham gia vào cuộc của nhân dân. Muốn người dân tham gia tố giác tội phạm cần phải bảo đảm an toàn cho họ.

Quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng trong các công trình, dự án là do công tác đấu thầu tuyển chọn làm chưa tốt, cấp kinh phí quá lớn so với yêu cầu thực, dẫn đến thất thoát tiền ngân sách Nhà nước. Đối với tội phạm tham nhũng, nếu cơ quan điều tra quyết tâm vào cuộc sẽ dễ dàng phát hiện.

Tuy nhiên, theo đại biểu, việc phát hiện tham nhũng không khó nhưng để chứng minh thất thoát do tham nhũng vào túi cá nhân nào là không dễ. Các công trình phúc lợi xã hội sau khi khi xây dựng xong bị lũ cuốn trôi hoặc hư hỏng nặng, thiệt hại về tài sản là điều dễ thấy nhưng không ai biết số tiền thất thoát do rút ruột công trình vào túi cá nhân nào - Đó là cái khó đặc thù của loại tội phạm tham nhũng, đại biểu phân tích.

                                                                                        (Theo TTXVN)

;
.