Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự Phiên họp toàn thể lần thứ 12 của Ủy ban Pháp luật
Ngày 17 đến 18-10, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đã tiến hành họp phiên toàn thể lần thứ 12. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tới dự.
Theo Báo cáo tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của QH, UBTVQH được ban hành từ đầu nhiệm kỳ QH Khóa XIII đến hết tháng 7.2013 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày, qua hai năm đầu nhiệm kỳ Khóa XIII, Chính phủ đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ tổ chức đưa luật, pháp lệnh đi vào cuộc sống. Nhận thức về tầm quan trọng của công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh đã được nâng lên một bước, việc triển khai thực hiện có nhiều tiến bộ, bước đầu có sự gắn kết với xây dựng, hoàn thiện pháp luật; việc bố trí kinh phí, các điều kiện bảo đảm để triển khai thi hành luật, pháp lệnh đã được chú trọng hơn. Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, từng bước khắc phục tình trạng luật, pháp lệnh chờ nghị định, thông tư hướng dẫn. Bên cạnh những mặt đạt được, việc triển khai thi hành một số luật, pháp lệnh còn chưa kịp thời, thiếu đồng bộ giữa các lĩnh vực pháp luật, dẫn đến tình trạng quy định của luật, pháp lệnh chưa được thực thi trên một số lĩnh vực; công tác ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh nhiều khi còn chậm, ảnh hưởng đến hiệu lực luật, pháp lệnh; tình trạng luật, pháp lệnh chờ nghị định quy định chi tiết, thông tư hướng dẫn vẫn còn phổ biến, gây bức xúc trong dư luận, nhân dân.
Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội |
Nguyên nhân được xác định do nhận thức một số bộ, ngành, địa phương về công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nhất là việc xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh chưa thực sự đầy đủ; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện luật, pháp lệnh còn thiếu chặt chẽ, khoa học.
Cho ý kiến thẩm tra báo cáo, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, Báo cáo đã nêu được kết quả, hạn chế, nguyên nhân khiến tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của QH, UBTVQH còn chậm. Tuy nhiên, nội dung của Báo cáo chưa nổi bật, chưa đánh giá rõ thực trạng tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của QH, UBTVQH từ đầu nhiệm kỳ QH Khóa XIII đến hết tháng 7.2013 có điểm gì khác biệt so với các năm trước đó; tiến độ triển khai so với các năm là nhanh hay chậm? Các thành viên Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, Báo cáo của Bộ Tư pháp cần phân tích ảnh hưởng, tác động của việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đối với công dân và xã hội. Chỉ rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành trong việc nợ đọng văn bản; nâng cao hơn nữa kỷ cương, kỷ luật trong việc tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của QH, UBTVQH bằng cách gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành. Đây sẽ là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá bộ, ngành nào hoàn thành hay chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tại Phiên họp lần này, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra Báo cáo về quá trình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của QH Khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan; và Báo cáo về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chính phủ năm 2013…
(Theo TTXVN)