Đà Nẵng: Kết quả 08 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020
Ngày 03-9-2013, đồng chí Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã làm việc với lãnh đạo Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng về kiểm tra kết quả 08 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Dự buổi làm việc có các đồng chí: Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp thành phố Đà Nẵng; Trần Thanh Vân, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng.
Theo báo cáo của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng, sau 08 năm thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhận thức của cấp ủy, đảng viên, thẩm phán và cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân thành phố về nhiệm vụ và nội dung cải cách tư pháp cũng như công tác tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực. Một trong những kết quả quan trọng là việc tổ chức các phiên tòa xét xử đã có sự đổi mới nâng cao chất lượng tranh tụng. Hội đồng xét xử không còn tâm lý xét hỏi buộc tội, bảo vệ cáo trạng mà thực sự là trọng tài lắng nghe, đánh giá với thái độ khách quan. Phán quyết của Tòa án nhân dân căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng công khai, bình đẳng, khách quan. Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập chỉ tuân theo pháp luật. Từ năm 2010 đến nay cơ bản đã khắc phục tình trạng án để quá hạn luật định; đặc biệt từ năm 2005 đến nay không có trường hợp nào oan sai hay bỏ lọt tội phạm. Công tác cải cách hành chính tư pháp được cải tiến tích cực. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức được chú trọng cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký có trình độ chuyên môn vững vàng, có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Quang cảnh buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thọ nhấn mạnh: Đà Nẵng là một trong số ít địa phương thành lập Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp do đồng chí Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy nay là Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo. Thành ủy, HĐND thành phố rất quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo hỗ trợ xây dựng Tòa án nhân dân phát huy vai trò là trung tâm trong hệ thống các cơ quan tư pháp và là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Từ đó, ngành Tòa án nhân dân thành phố đã xây dựng được một đội ngũ thẩm phán, thư ký lớn mạnh về mọi mặt. Trong hoạt động của ngành Tòa án nhân dân thành phố không có dư luận “chạy” án. Chất lượng xét xử án của ngành Tòa án nhân dân thành phố nhiều năm qua không ngừng được nâng cao. Thực hiện chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân theo tinh thần Kết luận 79-KL/TW, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp thành phố đã phối hợp với các cơ quan xây dựng hoàn thành Đề án thành lập 5 Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực trên địa bàn thành phố. Giữa các cơ quan tư pháp của thành phố cũng đã xây dựng được quy chế phối hợp hoạt động góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, kiềm chế hiệu quả tội phạm.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đánh giá cao và biểu dương kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của ngành Tòa án nhân dân thành phố nói riêng cũng như việc thực hiện nhiệm vụ này của Thành ủy, HĐND và các cơ quan tư pháp của thành phố Đà Nẵng. Đồng chí đề nghị ngành Tòa án nhân dân thành phố tiếp tục đẩy mạnh hơn thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, trong đó lấy hoạt động của Tòa án nhân dân là trung tâm của hoạt động tố tụng, làm quyết liệt nhưng cũng phải thận trọng. Tỷ lệ án sửa, hủy của ngành Tòa án nhân dân thành phố trong phạm vi cho phép nhưng cần kéo giảm mạnh hơn nữa. Ngành Tòa án nhân dân thành phố phải tham mưu với Thành ủy làm tốt việc tổng kết 08 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tiến Dũng
(TTXVN)