Bế mạc Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI
Sáng 11/5, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, sau 10 ngày làm việc khẩn trương, dân chủ, nghiêm túc.
Tại hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định, cho ý kiến chỉ đạo đối với các vấn đề: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị; Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận; Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng; Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường và một số vấn đề quan trọng khác. Hội nghị đã thống nhất cao ban hành nhiều nghị quyết, kết luận quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị |
Phát biểu bế mạc, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích, làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả chủ yếu mà Hội nghị đã đạt được.
* Đẩy mạnh đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị
Tại Hội nghị này, Trung ương nhấn mạnh, củng cố, kiện toàn, từng bước hoàn thiện hệ thống chính trị là công việc rất lớn, hệ trọng và phức tạp, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Vừa qua đã có nhiều cố gắng và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng so với yêu cầu phát triển, vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém. Trung ương yêu cầu, thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, nhằm mục tiêu xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị phải đồng bộ với đổi mới thể chế kinh tế; thống nhất giữa các tổ chức trong toàn hệ thống, bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Kiện toàn tổ chức bộ máy phải đi đôi với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Hoàn thiện thể chế phải gắn liền với đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng. Đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công. Tăng cường quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, nhất là ở cơ sở.
* Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận
Hội nghị nhất trí cho rằng, tiếp sau Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, việc lần này Trung ương bàn và ban hành Nghị quyết về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận là rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Bởi vì chỉ có làm tốt công tác dân vận, tăng cường mối liên hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng thì Đảng mới có sức mạnh. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, có rất nhiều vấn đề mới đặt ra tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chỉ có đổi mới và làm tốt công tác dân vận, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với dân, cũng như khối đại đoàn kết toàn dân thì mới phát huy được sức mạnh to lớn của toàn dân phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để thực hiện được yêu cầu nêu trên, phải quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng ta về dân vận, về đại đoàn kết dân tộc. Đặc biệt là phải tôn trọng và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; hết lòng, hết sức chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chú trọng đến lợi ích trực tiếp của người dân; luôn trọng dân, gần dân, hiểu dân, tin dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh.
* Tiếp thu nhiều ý kiến nhân dân trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Ban Chấp hành Trung ương hoan nghênh và cảm ơn đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã nhiệt tình hưởng ứng, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, ghi nhận, biểu dương Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và các cơ quan chức năng đã tổ chức chu đáo việc lấy ý kiến nhân dân; tổng hợp đầy đủ, tiếp thu nghiêm túc, giải trình các góp ý xây dựng để hoàn thiện thêm một bước dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội xem xét, quyết định. Qua đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, sâu rộng này, nhân dân ta một lần nữa thể hiện cao độ lòng yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hết lòng chăm lo xây dựng Nhà nước ta, xây dựng đất nước ta, dân tộc ta vững mạnh, trường tồn. Tuyệt đại đa số các tầng lớp nhân dân tán thành với nội dung của dự thảo.
So với bản dự thảo được công bố, đã có rất nhiều ý kiến của nhân dân được tiếp thu, tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng. Đối với những vấn đề mới, nhạy cảm, còn ý kiến khác nhau, Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo định hướng lựa chọn, tiếp thu, giải trình. Đối với các quan điểm sai trái, những luận điệu tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, Trung ương kiên quyết phê phán, bác bỏ. Trung ương giao Đảng đoàn Quốc hội cùng Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tiếp tục quán triệt đầy đủ và sâu sắc hơn nữa Cương lĩnh chính trị năm 2011 của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 2 và Hội nghị Trung ương 5, các kết luận của Bộ Chính trị và kết luận của Hội nghị Trung ương lần này, khẩn trương chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý, hoàn thiện bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp để trình kỳ họp sắp tới của Quốc hội.
* Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Trung ương cho rằng, đây là 3 lĩnh vực cực kỳ quan trọng, có nội dung phong phú, nhiều mặt và quan hệ mật thiết với nhau. Nhiệm vụ chung đặt ra là: phải đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; thí điểm phát triển mô hình kinh tế xanh theo địa bàn và theo ngành, lĩnh vực và từng bước nhân rộng trên cả nước. Thực hiện phân vùng chức năng sinh thái làm cơ sở để xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực và địa phương theo hướng phù hợp với đặc tính sinh thái từng vùng, hài hoà với thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thiết lập, ứng dụng các mô hình dự báo tổng thể tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên, môi trường và kinh tế - xã hội; thí điểm phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu cho lưu vực sông, vùng ven biển, sau đó nghiên cứu nhân rộng ra cả nước. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp và thống nhất theo chuẩn quốc tế; có cơ chế phù hợp khai thác, chia sẻ thông tin, sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu trên các lĩnh vực này.
Nhiệm kỳ này cần sớm xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch để thực hiện có hiệu quả các chiến lược đã được ban hành trên 3 lĩnh vực này, tập trung giải quyết những vấn đề nhân dân đang đặc biệt quan tâm như: Triều cường, nước biển dâng gây úng lụt, nhiễm mặn ở các tỉnh ven biển, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long; nạn phá rừng, khai thác huỷ hoại một số loại khoáng sản; phát triển thuỷ điện tràn lan, gây hậu quả xấu đến xã hội và môi trường; bỏ hoang hoá đất đai sau khi được giao quyền sử dụng cho các dự án đầu tư...
* Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4
Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét kỹ và nhất trí cao với những nhận định, đánh giá và đề xuất nêu trong Báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Hội nghị thống nhất cho rằng, trong hơn một năm qua, toàn hệ thống chính trị đã nghiêm túc quán triệt và tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết; nhân dân đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia xây dựng Đảng. Nhờ vậy đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đều cho rằng, việc ban hành và thực hiện Nghị quyết là rất cần thiết, đúng đắn, kịp thời nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi những tiêu cực, suy thoái trong Đảng, giữ vững bản chất cách mạng của Đảng, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Qua đây Trung ương cũng có thêm kinh nghiệm trong việc chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng nói chung và chỉ đạo việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình nói riêng.
Trung ương yêu cầu phải kiên quyết, kiên trì tiếp tục lãnh đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với những bước đi vững chắc để có thể thực sự tạo được chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng. Trước mắt, tập trung xây dựng và thực hiện thật tốt, có kết quả cụ thể các chương trình, kế hoạch sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm, khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trong đợt sinh hoạt chính trị vừa qua. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần tiếp tục được thực hiện một cách nghiêm túc gắn với kiểm điểm công tác hằng năm. Việc thực hiện các nhóm giải pháp khác phải được tiến hành khẩn trương, đồng bộ theo đúng Kế hoạch số 08-KH/TW của Bộ Chính trị, gắn với tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện những điều đảng viên không được làm; gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, tăng cường công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.
* Đưa công tác cán bộ ở Trung ương đi vào nền nếp, chủ động hơn, chính xác hơn
Về xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, Trung ương đã cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp lựa chọn nhân sự đưa vào quy hoạch; về số lượng cho mỗi chức danh; về cơ cấu độ tuổi, giới tính, thành phần xuất thân và phương án nhân sự giới thiệu vào quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Bộ Chính trị sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Trung ương để hoàn thiện, ban hành quy hoạch; đồng thời bám sát những quan điểm, nguyên tắc, tư tưởng chỉ đạo của Đề án đã được Hội nghị Trung ương 6 khóa XI thông qua và Kế hoạch số 10 của Bộ Chính trị để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện quy hoạch từng bước đưa công tác cán bộ ở Trung ương đi vào nền nếp, chủ động hơn, chính xác hơn.
Tại hội nghị này, Trung ương cũng đã xem xét các Báo cáo công tác kiểm tra của Đảng năm 2012; công tác tài chính Đảng năm 2012; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị từ sau Hội nghị Trung ương 6 đến nay. Đồng thời yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ khẩn trương chuẩn bị Đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công để trình Trung ương xem xét, quyết định vào thời gian thích hợp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trách nhiệm của các đồng chí Ủy viên Trung ương và các đồng chí dự Hội nghị trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận Trung ương vừa thông qua, coi đây là khâu mấu chốt quyết định trong việc đưa nghị quyết vào thực tế cuộc sống; phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, có phương pháp làm việc khoa học, chặt chẽ. Tình hình chung của đất nước, bên cạnh mặt thuận lợi cơ bản cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, hơn lúc nào hết, cần nêu cao ý chí của người cách mạng chân chính, tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, tăng cường đoàn kết thống nhất, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm cá nhân, cùng với cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo và tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết, kết luận, quyết định của Hội nghị Trung ương lần này, cùng các nghị quyết khác của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; bảo đảm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.
Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung vào Bộ Chính trị khóa XI hai đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; bầu bổ sung đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương vào Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI.
(Theo TTXVN)