Kết quả kiểm tra pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Điện Biên

Thứ Tư, 16/01/2013, 09:04 [GMT+7]

Điện Biên là tỉnh miền núi vùng cao, có nhiều dân tộc ít người, đời sống kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp. Những năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, các cơ quan đoàn thể ở Trung ương... một số chương trình, dự án đầu tư đã được đầu tư và thực hiện trên địa bàn tỉnh, như: Chương trình 134, 135; Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng cao; Chương trình Trung tâm cụm xã; các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ theo Nghị quyết 30A; các Dự án đầu tư đầu tư xây dựng đường giao thông liên thôn, liên xã, trường học, trạm xá, nước sinh hoạt, các công trình thủy lợi... Các chương trình, dự án được triển khai thực hiện góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển văn hóa xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực, cải thiện đời sống cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng.

Năm 2012, Ban Chỉ đạo tỉnh Điện biên về PCTN xây dựng kế hoạch, tổ chức Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCTN tại 02 huyện (Tủa Chùa và Điện Biên Đông) và 01 thị xã (Mường Lay), gồm: (1) Kết luận (số 36/KL-BCĐ, ngày 03/5/2012) của Ban Chỉ đạo tỉnh về việc Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCTN đối với một số nội dung thuộc các Chương trình, dự án trên địa bàn huyện Tủa Chùa; (2) Kết luận (số 58/KL-BCĐ, ngày 05/7/2012) của Ban Chỉ đạo tỉnh về việc Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCTN trên địa bàn huyện Điện Biên Đông; (3) Kết luận (số 106/KL-BCĐ, ngày 08/11/2012) của Ban Chỉ đạo tỉnh về việc Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCTN trên địa bàn thị xã Mường Lay (từ năm 2009 - 2011). Qua công tác kiểm tra cho thấy:

1. Những kết quả đạt được

Hàng năm, trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu chi ngân sách và vốn đầu tư phát triển do UBND tỉnh giao, UBND các huyện đã tổ chức hội nghị quán triệt và giao chỉ tiêu, kế hoạch cho các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn; công khai các chủ đầu tư và đại diện chủ đầu tư tại các chương trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, như: huyện Tủa Chùa: (1) Phòng Công thương làm đại diện chủ đầu tư đối với Chương trình Trung tâm cụm xã và các dự án đường giao thông; (2) Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội làm chủ đầu tư dự án Chương trình đào tạo theo Nghị quyết 30A, Chương trình đào tạo theo Chương trình 135; (3) UBND các xã làm chủ đầu tư Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng cao (43 bản nghèo); (4) Ban Quản lý dự án huyện làm chủ đầu tư Chương trình 135 và Dự án Mường Báng - Xé Nhè; (5) Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư Công trình và hỗ trợ mua trâu bò phục vụ sản xuất thuộc Chương trình 134 (gồm mô hình trồng thảo quả, mô hình trồng lúa và tập huấn phòng, tránh rét cho trâu bò, hỗ trợ trâu, bò, máy móc thuộc chương trình 135.

Đồng chí Lê Văn Lân, Phó Chánh Văn phòng

Ban Chỉ đạo và Đoàn công tác làm việc tại tỉnh Điện Biên

Huyện Điện Biên Đông đã công khai dự án và cơ quan phụ trách: (1) Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách Chương trình 135, Chương trình Hỗ trợ việc làm tăng thu nhập cho nhân dân; (2) Phòng Công thương phụ trách Chương trình 134 (kéo dài), Vốn sự nghiệp giao thông; (3) Ban Quản lý dự án huyện phụ trách Vốn tín dụng ưu đãi và Vốn trái phiếu Chính phủ; (4) UBND các xã, thị trấn phụ trách Chương trình phát triển kinh tế văn hóa vùng cao...

Công tác thanh tra, kiểm tra các chương trình, dự án đã và đang được triển khai thường xuyên ở các địa phương. (1) Huyện Tủa  Chùa,  trong  03  năm  (2009  -  2011), Thanh tra huyện thực hiện 02 cuộc (với 02 công trình nước sinh hoạt tại xã Mường Báng (năm 2009); 01 cuộc với Chương trình 43 bản nghèo (năm 2009-2010); Thanh tra Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên thực hiện 01 cuộc với Chương trình 135 (năm 2009); Kiểm toán Nhà nước thực hiện 01 cuộc với Chương trình 135 (năm 2010); Sở Xây dựng kiểm tra chất lượng đối với 03 dự án đường giao thông dân sinh (Huổi Trẳng - Phi Giàng 2; Đông Phi - Háng Tơ Mang, Mường Đun - Bản Hột - Bản Kép); kiểm tra 04 dự án thủy lợi và nước sinh hoạt: Kênh Chiêu Tính 1, Kênh Chiêu Tính 2 xã Tả Phìn; thủy lợi Tân Phong xã Mường Báng; thủy nông Háng Tơ Mang, xã Mường Báng. Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện một số sai phạm tại các Chương trình; đã thu hồi số kinh phí sai phạm, nộp ngân sách Nhà nước... (2) Huyện Điện Biên Đông, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an và Thanh tra huyện Điện Biên Đông thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN và thanh tra công tác quản lý và sử dụng ngân sách, các nguồn tài chính năm 2009 của Phòng Giáo dục và Đào tạo (02 cuộc); Thanh tra Ban Dân tộc tỉnh thanh tra Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng cao (năm 2009), Chương trình 135 giai đoạn 2 (01 cuộc); Phòng Tài chính Kế hoạch huyện thực hiện kiểm tra việc thực hiện thu chi ngân sách nhà nước về mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản năm 2011 (01 cuộc); Sở Nội vụ thanh tra nội vụ năm 2010 - 2011 (01 cuộc); Thanh tra huyện thực hiện 04 cuộc thanh tra đối với các chương, dự án vốn vay ưu đãi (năm 2008); dự án nước sạch vệ sinh môi trường Bản Xa Dung A và C (năm 2009); vốn trung tâm xã Mường Luân, Chương trình 135 giai đoạn 2 (2009 - 2010); Chương trình 134

(năm 2009)... (3) Tại thị xã Mường Lay, từ năm 2009 - 2011, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã Kiểm toán Dự án tái định cư thuộc Dự án thủy điện Sơn La (năm 2009); Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế Công an tỉnh kiểm tra trường học điểm Bản Hua Huổi Luông, Hua Nậm Cản; Sở Nội vụ thanh tra công tác nội vụ của UBND thị xã (năm 2010 - 2011); Thanh tra thị xã Mường Lay thực hiện thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi (năm 2006 - 2010)...

2. Một số hạn chế, yếu kém

Đối với huyện Tủa Chùa: (1) Việc thực hiện các chương trình, dự án chưa thực hiện phân cấp về UBND xã làm chủ đầu tư đối với các Chương trình 134, 135; (2) Ban hành một số văn bản quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong việc thực hiện các dự án, về đấu thầu, quản lý, sử dụng ngân sách tài chính chưa đúng quy định (Ban hành văn bản xử lý kỹ thuật của các công trình: Dự án Đường dân sinh Đông Phi - Háng Tơ Mang, Chợ Trung tâm cụm xã Tả Sìn Thàng... chưa đúng với Nghị định 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về quản lý đầu tư xây dựng công cộng; Văn bản Hướng dẫn của Sở Xây dựng (số 169/HD-SXD ngày 10/4/2009) và của Phòng Tài chính Công thương (số 27/TCKH-CT ngày 24/6/2009) chưa sát với văn bản của Bộ Xây dựng (số 177/BXD-VP ngày 16/8/2007) về định mức dự toán xây dựng công trình; Nghiệm thu thực tế chưa phù hợp với hồ sơ thiết kế, dự toán đã được phê duyệt (dự án Trung tâm cụm xã Tả Sìn Thàng; Kinh phí kết dư Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng cao (43 bản nghèo năm 2010 sang 2011 hiện vẫn chưa có kế hoạch phân bổ); (3) Còn sai phạm về chi phí in ấn, photo tài liệu, quản lý đầu tư xây dựng (theo kết luận của Thanh tra huyện, Kiểm toán Nhà nước...); (4) Chưa xử lý trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan đến các nội dung sai phạm qua kết luận của các cơ quan chức năng.

Với huyện Điện Biên Đông: (1) Chưa xây dựng kế hoạch về PCTN hàng năm (ở Phòng Nội vụ và Phòng Giáo dục và Đào tạo); (2) Công khai và chấp hành các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong thực hiện các Chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước chưa đúng quy định (thanh toán tiền lương công nhân chưa đúng); nghiệm thu khối lượng không đúng thực tế tại các dự án do Phòng Công thương, Ban Quản lý dự án... thực hiện; (3) Còn 111 dự án (tính đến thời điểm kiểm tra) chưa thẩm tra quyết toán mặc dù dự án đã hoàn thành.

Tại thị xã Mường Lay: (1) Công tác kiểm tra, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo có lúc, có việc chưa sâu sát; (2) Việc hướng dẫn lập và quản lý chi phí chế độ, chính sách tiền lương, đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh của  Sở  Xây  dựng  (số  62/SXD-HD  ngày 23/01/2008) chưa đúng với quy định của Bộ luật lao động; (3) Công tác quản lý của một số dự án, chương trình còn hạn chế, yếu kém (Dự án san nền, đường giao thông, thoát nước tạm khu vực Bản Hốc và Cánh đồng Bản Xá...); (4) Việc chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho 47 phương án phải điều chỉnh, thu hồi (do kê khai thiếu trung thực của các đối tượng thụ hưởng...); (5) Còn 33 dự án (tính đến 31/8/2012) chưa thanh, quyết toán theo đúng thời gian quy định.

3. Những kiến nghị

Trên cơ sở kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về PCTN, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tỉnh kiến nghị các huyện (Tủa Chùa, Điện Biên Đông) và thị xã Mường Lay thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

1. Tăng cường, đổi mới hình thức công tác  tuyên  truyền,  giáo  dục  pháp  luật  về PCTN cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị (trên địa bàn huyện) xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác PCTN hàng năm.

2. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức cán bộ, quản lý ngân sách, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản... đảm bảo nguyên tắc công khai dân chủ, đúng quy định pháp luật; quản lý chặt chẽ các chương trình, dự án đã và đang thực hiện trên địa bàn huyện; sử dụng đất đai theo quy hoạch đã được phê duyệt một cách hiệu quả, thiết thực.

3.  Nghiêm  túc  thực  hiện  kết  luận  của Đoàn kiểm tra; kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị để xảy ra sai phạm về chế độ, định mức tiêu chuẩn (theo kết luận của các Đoàn thanh, kiểm tra); việc kiểm điểm phải khách quan, mang tính xây dựng, tránh tình trạng lợi dụng việc kiểm điểm để trù úm, gây mất đoàn kết, hạ thấp uy tín trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đàm Văn Lợi

(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)

;
.