Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012 của 21 tỉnh, thành phố phía Nam

Thứ Hai, 14/01/2013, 11:08 [GMT+7]

1. Công tác thông tin, tuyên truyền và giáo dục

Với đặc điểm và điều kiện của từng địa phương, Văn phòng Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố phía Nam đã chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về PCTN: Bình Thuận (6 lớp với 2514 cán bộ, công chức tham gia); Tây Ninh (05 lớp với 1.200 cán bộ, công chức); Kiên Giang (400 cán bộ, công chức)... thông qua hội nghị và các buổi tuyên truyền về văn bản pháp luật nói chung, có lồng ghép nội dung về PCTN nói riêng (được gần 120.000 lớp/cuộc với gần 2.400.000 lượt cán bộ, người dân tham dự); in và phát hành 400.060 tài liệu; phát sóng 16.500 phóng sự, chuyên mục; phát thanh 37.463 giờ và tuyên dương gần 100 cán bộ, chiến sỹ liêm khiết không nhận hối lộ; thông qua việc tổ chức các hội thi trong đó có lồng ghép nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, PCTN; xây dựng các tiểu phẩm, chuyên đề, trả lời hỏi đáp pháp luật về PCTN; tỉnh Long An đưa nội dung PCTN vào giảng dạy chính khóa cho các lớp lý luận chính trị, quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên tại Trường chính trị; tỉnh Bến Tre đưa nội dung PCTN vào dạy tại 02 trường PTTH ở với 52 lớp với 2.139 học sinh; thông qua trang Web của Ban Chỉ đạo tỉnh (Bình Thuận và Kiên Giang)…

2. Thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng

Các  tỉnh,  thành  phố  phía  Nam  đã  ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung thay thế gần 300 văn bản liên quan đến công tác PCTN, như: thực hiện Nghị quyết 21/NQ-CP về việc ban hành Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020; kiểm điểm tự phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 - 2016; kế hoạch cải cách hành chính năm 2012...

Hội nghị giao ban công tác PCTN

cụm các tỉnh miền Đông Nam bộ

Theo báo cáo của các địa phương, đã có gần 300 cuộc kiểm tra về chế độ, định mức, tiêu chuẩn được tiến hành. Qua đó phát hiện và giải quyết trên 100 vụ việc vi phạm chế độ, định mức, tiêu chuẩn, như: Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Dương từ chối cấp phát, thanh toán (số tiền trên 1,276 tỷ đồng) do không đúng mục chi ngân sách, không đúng đối tượng; Sở Tài chính Kiên Giang thẩm tra và quyết toán giảm so với đề nghị 2,925 tỷ đồng (kinh phí đề nghị trên 195 tỷ đồng, giá trị được phê duyệt trên 192 tỷ đồng; Kho bạc Nhà nước tỉnh Kiên Giang từ chối thanh toán các khoản với số tiền 902 triệu đồng do không đúng thủ tục...).

Năm 2012, có gần 3.000 trường hợp được chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng, trong đó: TP.Hồ Chí Minh có 110 cán bộ, công chức, viên chức; Bình Phước 222; Bình Thuận 531; Tiền Giang 136; Bạc Liêu 199; Bến Tre 75; Kiên Giang 28...

Theo thống kê, đã có nhiều trường hợp nộp lại quà tặng với gần 70 triệu đồng, trong đó: Long An là 36,8 triệu đồng; Tiền Giang là 16,4 triệu đồng; thành phố Hồ Chí Minh thu hồi 12 triệu của 02 trường hợp vi phạm về quà tặng; ở Kiên Giang, cán bộ Kho bạc Nhà nước nêu cao tính liên khiết, trung thực, đã trả lại 87 món tiền cho khách hàng với số tiền trên 37 triệu đồng; Nhân viên Kho bạc tỉnh Bình Dương đã trả lại trên 141 triệu đồng tiền thừa cho khách hàng; 135 lượt cán bộ, chiến sỹ Công an không nhận hối lộ với số tiền trên 132 triệu đồng và 2.450 USD...

Việc kê khai tài sản, thu nhập và công khai   bản   kê   khai   theo   Nghị   định   số 68/2011/NĐ-CP của Chính phủ được các địa phương triển khai thực hiện. Thông qua việc kê khai tài sản, thu nhập đã phát hiện một số cán bộ, công chức kê khai không trung thực: tỉnh Bình Thuận phát hiện 01 lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Cao Su Bình Thuận, 02 trường hợp ở An Giang kê khai tài sản, thu nhập không đúng quy định...

Các địa phương như Bình Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước, Ninh Thuận xử lý kỷ luật 12 trường hợp người đứng đầu do để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách, trong đó khiển trách 08, cảnh cáo 02, cách chức 01 và buộc thôi việc 01 trường hợp.

Công tác cải cách hành chính là một trong những khâu đột phá quan trọng, được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố và được gắn liền với công tác PCTN. Các địa phương đẩy mạnh việc xây dựng và triển khai hệ thống quản lý ISO hành chính công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính cũng như quản lý và giải quyết công việc, đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, giảm hội họp, giảm văn bản giấy tờ không cần thiết; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Đến nay, tại thành phố Hồ Chí Minh, 18/18 sở, ngành thành phố, 24/24 quận (huyện), 322/322 phường, xã (thị trấn) đã áp dụng cơ chế “một cửa” trong giải quyết các thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Các lĩnh vực áp dụng cơ chế “một cửa” đều được xây dựng quy trình, hướng dẫn chi tiết về thủ tục, thời gian giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp và được niêm yết công khai tại bảng hướng dẫn và trên trang web của các cơ quan; việc giải quyết hồ sơ hành chính được thực hiện tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các quận, huyện chủ yếu trên các lĩnh vực kinh tế, lao động, xây dựng, cấp số nhà, đất đai, hộ tịch và y tế; 24/24 UBND quận (huyện) đã triển khai quy trình liên thông giữa UBND quận (huyện) và UBND xã, phường (thị trấn) trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh và đăng ký mã số thuế. Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Đồng Nai tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện cải cách hành chính bằng việc vận hành mô hình điện tử ở 03 lĩnh vực: đăng, kiểm phương tiện đo lường, đăng ký đề tài, dự án nghiên cứu khoa học công nghệ và đăng ký cấp phép X quang trong ngành y tế... Tỉnh Bình Phước triển khai thí điểm mô hình “một cửa điện tử” tại UBND thị xã Đồng Xoài và UBND huyện Chơn Thành. Bình Thuận triển khai dự án “Hiện đại hóa quy trình thu nộp thuế giữa các cơ quan Thuế - Kho bạc Nhà nước - Hải quan - Tài chính” tại Kho bạc Nhà nước tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố...

3. Công tác phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng

Công tác kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra các cấp đã được quan tâm. Qua kiểm tra, đã phát hiện và thi hành kỷ luật Đảng một số trường hợp sai phạm: tỉnh Ninh Thuận kỷ luật 6/10 đảng viên vi phạm; An Giang 123; Tây Ninh kiểm tra 73 cuộc, kỷ luật 03 đảng viên  vi  phạm;  Cà  Mau  qua  kiểm  tra  10 trường hợp, phát hiện sai phạm 2,1 tỷ đồng; tỉnh Đồng Tháp phát hiện 01 trường hợp thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy quản lý có hành vi cố ý làm trái...

Tại Kiên Giang, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra 33 đảng viên và 08 tổ chức đảng cấp dưới có dấu hiệu vi phạm; giám sát 28 đảng viên và 33 tổ chức đảng về chấp hành nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, việc lãnh đạo đảng viên chấp hành tổ chức kỷ luật, thực hiện nhiệm vụ được giao, đoàn kết nội bộ... kiểm tra 125 cuộc thu, chi tài chính Đảng; 07 cuộc thu, chi ngân sách. Qua kiểm tra, giúp đảng viên và các tổ chức đảng khắc phục hạn chế, thiếu sót, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.

Tại An Giang, Ủy ban Kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra 20 đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Nội dung vi phạm chủ yếu là phẩm chất lối sống, cố ý làm trái và các vi phạm khác. Đến nay, đã có kết luận đối với 19 đảng viên; phải thi hành kỷ luật 14 đảng viên; đã xử lý kỷ luật 10 đảng viên. Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo và khiển trách đối với 02 trường hợp do kê khai tài sản thu nhấp không trung thực, không đúng theo quy định.

Tại Trà Vinh, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra 02 đảng viên có dấu hiệu vi phạm; đã kết luận và thi hành kỷ luật 01 đảng viên, kiểm điểm rút kinh nghiệm 01 đảng viên. Công tác giám sát của tỉnh đã được quan tâm; qua công tác giám sát đã nhắc nhở, điều chỉnh, rút kinh nghiệm, xử lý và tham mưu xử lý kỷ luật 19 đảng viên vi phạm...

Thanh tra các địa phương đã triển khai gần 3000 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thanh tra chuyên ngành; đã phát hiện sai phạm trên 400.000 tỷ đồng, đã thu hồi được trên 100.000 tỷ đồng.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử: cơ quan điều tra các cấp của các địa phương thụ lý, điều tra và khởi tố 128 vụ/257 đối tượng. Viện kiểm sát nhân dân các địa phương truy tố 72 vụ/151 đối tượng. Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử 77 vụ/193 bị cáo, trong đó hình phạt cao nhất là tử hình đối với Trần Minh Long, nguyên Kế toán trưởng Kho bạc Nhà nước chi nhánh huyện Nhà Bè về tội “tham ô” và “đánh bạc” và 03 bị cáo khác có mức án từ 03 năm trù treo đến 06 năm tù giam...

4. Ban Chỉ đạo và Văn phòng Ban Chỉ đạo 21 tỉnh, thành phố phía Nam

Sau khi có Công văn số 3415-CV/VPTW ngày 25/6/2012 của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo và Văn phòng Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố phía Nam đã quán triệt triển khai thực hiện. Chương trình, kế hoạch đã đề ra được Ban Chỉ đạo và Văn phòng Ban Chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc, như: Dự Hội nghị toàn quốc sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; tổng kết 05 năm thực hiện Luật PCTN và sơ kết giai  đoạn  thứ  nhất  Chiến  lược  quốc  gia PCTN đến năm 2020; Văn phòng Ban Chỉ đạo tham mưu cho tỉnh ủy, thành ủy báo cáo đánh giá kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và Văn phòng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN; đề xuất mô hình tổ chức của Ban Chỉ đạo và Văn phòng Ban Chỉ đạo về PCTN; tham mưu triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí.

Văn phòng Ban Chỉ đạo các địa phương đã tổ chức Hội nghị giao ban cụm miền Tây và miền Đông Nam bộ: Quý I cụm miền Tây và miền Đông Nam bộ tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Cà Mau; Quý II, Quý III, cụm miền Đông Nam bộ tổ chức tại Đồng Nai và Bình Phước; tham mưu cho Ban Chỉ đạo các địa phương lập Đoàn kiểm tra công tác PCTN tại các cơ quan, đơn vị theo Chương trình, kế hoạch đề ra từ đầu năm; tham mưu đề xuất giải quyết các vụ việc, vụ án liên quan đến tham nhũng trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác PCTN  của  21  tỉnh  phía  Nam  cũng  còn khuyết điểm, hạn chế, đó là: (1) Việc thực hiện  Nghị  định  158/2007/NĐ-CP  về  quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn chuyển đổi nhằm phòng ngừa tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn; (2) Việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo Nghị định 68/2011/NĐ-CP, hầu hết các báo cáo của địa phương chưa phản ánh đầy đủ và cụ thể; (3) Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại đơn vị do mình quản lý, phụ trách còn chậm; (4) Việc xử lý hậu thanh tra vẫn còn nhiều khó khăn. Tình trạng phát hiện vi phạm kinh tế là phổ biến, nhưng việc xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể có hành vi sai phạm còn hạn chế và nhiều vướng mắc...

P.V

;
.