Kết quả công tác năm 2012 của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Năm 2012, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương đã hoàn thành một số nhiệm vụ sau đây:
1. Công tác tham mưu, nghiên cứu, tổng hợp: giúp Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì thực hiện Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí” trình Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI); phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN và sơ kết giai đoạn thứ nhất Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020; tham mưu tổ chức và phục vụ thành công Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Luật PCTN, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng Chương trình công tác năm 2012 của Ban Chỉ đạo; tổ chức, phục vụ các Phiên họp lần thứ 17, 18 và ban hành Thông báo ý kiến kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo tại các Phiên họp; xây dựng các Báo cáo công tác PCTN hàng quý, năm...; tổng hợp ý kiến góp ý, gợi ý kiểm điểm của Thành viên Ban Chỉ đạo đối với các ban cán sự đảng bộ, ngành trực thuộc Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); giúp Ban Cán sự đảng Chính phủ gợi ý kiểm điểm đối với các Ban Cán sự đảng: Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ và một số UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu
tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2012
2. Tham gia xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN: tham gia Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN; Đề án tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN, Công ước Liên hợp quốc về PCTN trong cán bộ, công chức, nhân viên và nhân dân từ 2012 - 2016; tham gia Ban soạn thảo sửa đổi Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ (quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan tổ chức, đơn vị do mình quản lý); Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ (quy định về danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức)... Ngoài ra, tham gia góp ý nhiều dự thảo văn bản do các bộ, ngành chủ trì...
3. Công tác kiểm tra, đôn đốc: Đối với địa phương, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức nắm tình hình công tác PCTN và hoạt động của Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo PCTN tại 48 tỉnh, thành phố trong cả nước; nắm tình hình xử lý các vụ án tham nhũng phức tạp từ năm 2007 đến nay tại các địa phương: Lai Châu, Điện Biên, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Hà Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Long An, Kiên Giang...
Đối với các bộ, ban, ngành Trung ương: đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về PCTN nói chung và kết quả thực hiện giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) nói riêng tại 15 bộ ngành, tổng công ty, tập đoàn kinh tế và các đơn vị trực thuộc, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Bộ Thông tin và Truyền thông; 03 đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam và 03 đơn vị trực thuộc; Tập đoàn Cao su Việt Nam; Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Bộ Tài chính...
4. Công tác tham mưu xử lý vụ án, vụ việc; tiếp dân và xử lý đơn thư: giúp Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, xử lý 12 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp (Trong đó: 01 vụ đã xét xử phúc thẩm, 04 vụ sơ thẩm, 01 vụ giám đốc thẩm; Tòa án thụ lý hồ sơ chuẩn bị xét xử 01 vụ; Viện kiểm sát thụ lý hồ sơ 01 vụ; cơ quan điều tra đang điều tra và điều tra bổ sung 03 vụ, tạm đình chỉ 01 vụ). Trong quá trình theo dõi các vụ án này phát hiện thấy có 07 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp chưa có sự đồng thuận về đường lối giải quyết giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, do còn bỏ lọt tội phạm, thiếu sót trong công tác giám định hoặc quá trình giải quyết kéo dài (Vụ: Công ty cho thuê tài chính II, vụ Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, vụ Tập đoàn Vinashin, vụ Tập đoàn Vinalines, vụ Ngân hàng Công thương chi nhánh Nhà Bè TP.Hồ Chí Minh, vụ Công ty Vinaconex 10 Đà Nẵng, vụ Công ty quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam), Văn phòng Ban Chỉ đạo đã chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch số 04/KH-VPBCĐ ngày 04/9/2012 nhằm đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xử lý 07 vụ án nói trên đến các cơ quan tiến hành tố tụng; tham mưu cho các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo (Bộ Trưởng Bộ Công an, Chánh án Tòa án NDTC) chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đối với 07 vụ án đó (Đến nay: vụ Vinashin đã khởi tố điều tra, xử lý 9 vụ án 23 bị can, trong đó 3 vụ 16 bị cáo đã xét xử; họp liên ngành để chỉ đạo giải quyết 03 vụ án: Vụ Võ Hồng Huỳnh và đồng phạm lợi dụng chức vụ xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghiệp rừng Tây Nguyên; Vụ Nguyễn Đình Thản lợi dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra tại Công ty Vinaconex 10 – Đà Nẵng; vụ Nguyễn Anh Tuấn (Sở quản lý vốn và kinh doanh ngoại tệ Ngân hàng NN&PTNT) và đã có thông báo chỉ đạo cụ thể; kết luận điều tra vụ Vũ Quốc Hảo và đồng phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II – Ngân hàng NN&PTNT chuyển truy tố Vũ Quốc Hảo cùng 11 bị can. Mở rộng khởi tố mới hành vi nâng khống giá trị tàu lặn từ 100 triệu đồng lên 130 tỷ đồng để chiếm đoạt; vụ Vinalines đã khởi tố 13 bị can, bắt tạm giam Dương Chí Dũng; Vụ Huỳnh Thị Huyền Như khởi tố tổng số 26 bị can với 08 tội danh, riêng sai phạm Cố ý làm trái của các lãnh đạo (Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang đã bị khởi tố) Ngân hàng thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 701 tỷ đồng tách để xử lý trong vụ án khác). Văn phòng Ban Chỉ đạo đã báo cáo, đề xuất với Phó Thủ tướng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức họp liên ngành giải quyết một số vụ án; báo cáo về một số vụ việc khiếu nại của một số công dân...
Văn phòng Ban Chỉ đạo đã tiếp 237 lượt công dân đến phản ánh và đưa đơn tố cáo (giảm 13% so với cùng kỳ năm 2011); tiếp nhận 1.695 đơn khiếu nại, tố cáo và thông tin phản ánh (trong đó 1.563 đơn gửi qua đường bưu điện, 71 đơn do công dân trực tiếp gửi đến trụ sở; 61 đơn do lãnh đạo và các cơ quan liên quan chuyển đến); đã phát hiện 113 đơn có nội dung tố cáo tham nhũng (chiếm 5,9%); đã chuyển 65 đơn đến các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo thẩm quyền, 48 đơn đang được xác minh, làm rõ...
Hội nghị Đảng bộ Cơ quan Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương
5. Công tác thông tin tuyên truyền về PCTN: trong 11 tháng đầu năm, đã biên tập và phát hành 11 số Bản tin PCTN (Trong đó có: 11 bài thời sự, chính trị; 43 bài nghiên cứu; 49 bài phản ánh các hoạt động PCTN ở Trung ương và địa phương, 87 tin Trung ương; 96 tin địa phương; 37 tin quốc tế; 149 ảnh và 10 văn bản mới); 48 số điểm báo tuần. Ngày 04/5/2012, Trang Thông tin điện tử tổng hợp của Văn phòng Ban Chỉ đạo đã được khai trương và đi vào hoạt động. Đến nay đã có tổng số 900 tin, bài, ảnh, văn bản được đăng tải trên Trang tin; 90.600 lượt người truy cập. Tiếp tục cử cán bộ tham gia Tổ thư ký Đề án 137 đưa công tác phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng trong nhà trường; tham gia Ban điều hành, tổ thư ký Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tham gia báo cáo viên tại các hội nghị, tập huấn về công tác PCTN... Gần đây, Văn phòng Ban Chỉ đạo phối hợp với Hãng phim Sao Khuê xây dựng phim tài liệu trong lĩnh vực nhân đạo từ thiện.
6. Công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng: tiếp và làm việc với 30 tổ chức quốc tế, nước ngoài; cử cán bộ tham dự nhiều hoạt động, hội nghị, hội thảo do đối tác nước ngoài tổ chức. Phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức 03 cuộc hội thảo trước kỳ đối thoại PCTN lần thứ 11 tại 03 khu vực Bắc, Trung, Nam và đồng chủ trì tổ chức đối thoại với các nhà tài trợ quốc tế lần thứ 11 tại Hà Nội; tổ chức 02 đoàn đi nghiên cứu kinh nghiệm PCTN tại Liên bang Nga và Ca-na- đa; 01 đoàn đi Hàn Quốc và đón Đoàn của Ủy ban chống tham nhũng và quyền công dân Hàn Quốc đến làm việc tại Văn phòng (theo tinh thần Bản ghi nhớ đã ký); tổ chức 01 đoàn cán bộ đi đào tạo tại Pháp (theo Chương trình 165); cử một số cán bộ tham dự hội nghị, hội thảo, đào tạo tại một số nước, như: Thái Lan, Áo, Australia…
7. Công tác tổ chức, cán bộ: rà soát, bổ sung quy hoạch 12 cán bộ (trong đó diện quy hoạch cấp vụ 05, cấp phòng 07); bổ nhiệm 9 cán bộ (01 Vụ trưởng, 03 Phó Vụ trưởng, 03 Trưởng phòng và 02 Phó Trưởng phòng); bổ nhiệm lại 03 cán bộ cấp Vụ. Tiếp nhận 03 cán bộ; làm thủ tục chuyển công tác cho 03 cán bộ và 01 cán bộ thôi việc; thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 01 đồng chí Vụ trưởng, sa thải 01 nhân viên.
Việc nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn và thực hiện chế độ, chính sách cán bộ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Công tác đào tạo trình độ chuyên môn, lý luận được coi trọng và thực hiện theo kế hoạch đề ra (Năm 2012 có 06 đồng chí đi học cao cấp lý luận; 04 đồng chí đi học lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước; 01 đồng chí đi học Thạc sĩ tại Trung Quốc và 05 đồng đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về Tổ chức - Hành chính; 22 cán bộ tham dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ở nước ngoài theo Đề án 165; 04 đoàn cán bộ đi nghiên cứu, khảo sát công tác PCTN tại một số nước...). Đảng ủy, Lãnh đạo Văn phòng Ban Chỉ đạo và Công đoàn cơ quan luôn quan tâm lãnh đạo xây dựng đoàn kết nội bộ cơ quan, chăm lo công tác giáo dục tư tưởng chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức gắn với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Những khuyết điểm, hạn chế: (1) Việc nghiên cứu tham gia ý kiến đối với một số dự thảo văn bản của các bộ, ngành chưa sâu; (2) Việc đề xuất xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chậm, bị động trong tiến độ giải quyết; (3) Công tác theo dõi, nắm tình hình để làm căn cứ kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng chưa thường xuyên; (4) Công tác quản lý, điều hành của một số đơn vị trực thuộc chưa tốt; (5) Một số cán bộ, công chức chưa thực sự chủ động nghiên cứu, nắm bắt thực tiễn để làm tốt công tác tham mưu; (6) Sự phối hợp giữa các đơn vị có lúc, có việc còn chưa thật tốt.
P.V