Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 11
Tham dự có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đồng chí Nguyễn Đình Phách, Uỷ viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán và đông đảo giới truyền thông.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ
- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
phát biểu tại Đối thoại lần thứ 11
Trước Hội nghị này, trong tháng 10 và tháng 11/2012 các cơ quan đồng chủ trì đã phối hợp với các địa phương tổ chức thành công 03 Hội thảo trước đối thoại theo khu vực Bắc, Trung, Nam; các Hội thảo được tổ chức lần lượt tại Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ; đại diện của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tham gia Hội thảo.
Qua hoạt động thanh tra, các cơ quan thanh tra nhà nước đã phát hiện 49 vụ, 67 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với giá trị tài sản 132,7 tỷ đồng, đã kiến nghị xử lý cả hành chính và hình sự theo đúng mức độ vi phạm và quy định của pháp luật. Lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm đã phát hiện, khởi tố 222 vụ, 469 bị can, tăng 80 vụ và 224 bị can so với cùng kỳ năm 2011, thu hồi cho ngân sách nhà nước 410 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Đình Phách, Uỷ viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương
về phòng, chống tham nhũng khai mạc Đối thoại lần thứ 11
Bên cạnh đó, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các cam kết, thoả thuận quốc tế về chống tham nhũng; tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác song phương, đa phương, tham gia các diễn đàn quốc tế về phòng, chống tham nhũng…
Phát biểu tại cuộc đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh, hơn 1 năm qua, Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động để tổng kết, đánh giá toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng. Qua đó, làm rõ bức tranh tổng thể về thực trạng, những mặt còn yếu kém, tồn tại, làm cơ sở để Đảng, Nhà nước Việt Nam quyết định những chính sách, giải pháp quan trọng về phòng, chống tham nhũng. Có nhiều quy định mới nhằm tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu, phê chuẩn được xem là giải pháp mạnh mẽ, nhằm thực hiện đầy đủ hơn quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và cơ quan dân cử địa phương. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tăng cường thực hiện tại các địa phương thời gian qua như: cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch về tài sản, đổi mới phương thức thanh toán, chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng.
Toàn cảnh Đối thoại lần thứ 11
Trong công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam 1 năm qua kể từ sau đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 10 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt được kết quả trên nhiều mặt. Công tác phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý tham nhũng có tiến bộ. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế, tiến triển đạt được có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy, tạo áp lực cho các cấp, các ngành phải tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới./.
Trần Hồng Minh
(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)