Chỉ số cảm nhận tham nhũng 2012: Việt Nam đứng thứ 123/176
Theo chỉ số CPI 2011 của TI, Việt Nam đạt 2,9 điểm, đứng thứ 112/183 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá. Tuy nhiên, CPI 2012 được xây dựng theo phương pháp luận cải tiến của TI, với thang điểm 0 - 100, để cho phép các nước trong bảng chỉ số so sánh được điểm số CPI của nước mình theo thời gian. Điều này cũng có nghĩa là điểm số CPI 2012 sẽ không thể so sánh được với điểm số CPI 2011 và các năm trước đó. Việc so sánh điểm số giữa các năm chỉ có thể thực hiện được từ năm 2013.
Đan Mạch, Phần Lan và Niu Di-lân dẫn đầu CPI 2012 với 90 điểm mỗi nước, nhờ các hệ thống cho phép tiếp cận thông tin mạnh mẽ và các quy định điều chỉnh hành vi của công chức.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có xếp hạng cao nhất là: Niu Di-lân (1/176 với 90 điểm), Xin-ga-po (5/176 với 87 điểm), Ốt-xtơ-rây-li-a (7/176 với 85 điểm), Hồng Kông (14/176 với 77 điểm), Nhật Bản (17/176 với 74 điểm).
Bảng xếp hạng CPI 2012 khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Theo đánh giá của TI thông qua CPI 2012, tham nhũng vẫn tiếp tục hoành hành trên toàn thế giới. 2/3 trong số 176 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng trong bảng chỉ số CPI 2012 đạt điểm dưới 50. Áp-ga-nix-tan, CHDCND Triều Tiên và Xô-ma-lia đứng cuối bảng xếp hạng, cùng vị trí 174 với 8/100 điểm. Các nước khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính cũng là những nước có vị trí kém trong bảng chỉ số CPI 2012.
Ông Cobus de Swardt, Giám đốc điều hành TI nói: “Tham nhũng là vấn đề được thế giới nói đến nhiều nhất. Các nền kinh tế hàng đầu cần là những tấm gương trong việc xây dựng các thiết chế công hoàn toàn minh bạch và đội ngũ lãnh đạo có trách nhiệm giải trình. Đây là điều đặc biệt quan trọng bởi các thiết chế đó đóng vai trò thiết yếu trong việc ngăn ngừa tham nhũng phát triển trên phạm vi toàn cầu”.
Bà Huguette Labelle, Chủ tịch TI nhấn mạnh: “Sau một năm tập trung vào vấn đề tham nhũng, chúng tôi mong đợi chính phủ các nước có lập trường cứng rắn hơn để chống lại sự lạm dụng quyền lực. Kết quả của Chỉ số cảm nhận tham nhũng 2012 cho thấy các nước tiếp tục phải trả giá đắt hơn cho tham nhũng”.
P.V