Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai

Thứ Ba, 20/11/2012, 16:32 [GMT+7]

Những bất cập đó là: pháp luật về đất đai hiện hành còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp, chưa đồng bộ; quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư và các thủ tục hành chính về đất đai còn nhiều hạn chế; lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được đảm bảo tương xứng. Một số ý kiến cho rằng: Việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp…Việc sửa đổi Luật Đất đai phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; khai thác, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai từ Trung ương đến cơ sở....

Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) phát biểu ý kiến

* Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm 3 cấp

Thảo luận về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có ý kiến tán thành với quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm 3 cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Theo đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các vùng kinh tế - xã hội được tính toán trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng cấp huyện được chi tiết đến từng đơn vị hành chính cấp xã. Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) cho rằng quy định như dự thảo luật là hợp lý. Theo đại biểu quy hoạch sử dụng đất 4 cấp như thời gian qua gây tốn kém, lãng phí và không hiệu quả vì thực tế đa số chính quyền cấp xã không đủ năng lực để làm quy hoạch. Trên cơ sở tán thành với dự thảo Luật, đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đề nghị bổ sung viếc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của người dân trong quá trình xây dựng quy hoạch thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) tâm đắc với nội dung khoản 3 Điều 49: "Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án, công trình hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau ba (03) năm không được thực hiện theo kế hoạch thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải hủy bỏ và công bố". Đại biểu đánh giá đây là quy định mới có ý nghĩa to lớn trong việc hạn chế tiến tới xóa bỏ tình trạng dự án treo như hiện nay. Tuy nhiên, sau 3 năm mà cơ quan có thẩm quyền chưa hoặc không làm thủ tục hủy bỏ dự án và công bố trước nhân dân thì quyền lợi của người dân sẽ không được đảm bảo, người dân vẫn không được sử dụng đầy đủ các quyền trên đất của mình, tình trạng dự án treo vẫn chưa được giải quyết triệt, làm nẩy sinh khiếu kiện kéo dài. Để giải quyết tình trạng này, đại biểu Trương Thị Huệ đề nghị bổ sung tiếp sau khoản 3 Điều 49 nội dung: "Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền không hoặc chậm hủy bỏ việc công bố thì người chủ sử dụng diện tích đất trên được thực hiện các quyền sử dụng đất của mình và được pháp luật bảo hộ".

Tuy nhiên, cũng có những quan điểm khác đề nghị tiếp tục thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 04 cấp (quốc gia, tỉnh, huyện và xã), trong đó quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện là quy hoạch tổng thể, quy hoạch sử dụng đất cấp xã là quy hoạch thiết kế chi tiết để phục vụ cho công tác quản lý đất đai. Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đặt câu hỏi tại sao lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chỉ gồm 3 cấp mà không có cấp xã trong khi cấp xã là cấp cơ sở để quy hoạch, kế hoạch chi tiết, là cấp quản lý trực tiếp đất đai. Đại biểu đề nghị giữ quy định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như Luật hiện hành vì nếu quy định chỉ gồm 3 cấp thì quy hoạch, kế hoạch đó sẽ rất rộng, dẫn đến có nhiều quy hoạch treo, sử dụng đất đai không hợp lý.

* Đa dạng hóa các hình thức giao đất, thu hồi đất

Thảo luận về cơ chế thu hồi đất, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng cần đa dạng hóa các hình thức giao đất, thu hồi đất phù hợp với đặc điểm của từng loại đất. Về cơ chế giao đất và thu hồi đất quy định từ điều 16 đến điều 22 của dự thảo Luật cơ bản không khác nhiều so với quy định hiện hành. Theo Điều 17, Nhà nước thu hồi đất trong 3 trường hợp: thứ nhất thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích cộng cộng và phát triên kinh tế, xã hội; thứ 2 thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai; thứ 3 thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện. Đại biểu Thân Đức Nam cho rằng cơ chế thu hồi đất chỉ nên áp dụng đối với trường hợp thứ 2 và thứ 3. Với trường hợp thứ nhất, nên áp dụng cơ chế Nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất đúng thẩm quyền của Nhà nước như Hiến pháp đã quy định, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế. Đề xuất này được đại biểu đưa ra dựa trên phân tích tình hình thực tế: "Nhà nước thu hồi nhưng phải bồi thường theo giá thị trường, thì thực chất là mua lại quyền sử dụng của người đang sử dụng đất theo giá thị trường. Nhưng Nhà nước lại áp đặt giá cả khi bồi thường, tự nó đã mâu thuẫn với khái niệm thị trường. Nhưng nếu Nhà nước sử dụng quyền trưng mua, chính nhà nước có quyền định giá trưng mua với quyền hạn của Nhà nước mà Hiến pháp cho phép".

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị cần xem lại các quy định về cơ chế thu hồi đất. Thực tế những năm vừa qua vì mục đích phát triển kinh tế đã thu hồi nhiều đất để xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch, sân gôn… Tuy nhiên có 1 số dự án lại để hoang hoá, lãng phí đất đai trong khi người dân không có đất để canh tác, dẫn đến đời sống gặp rất nhiều khó khăn, gây bức xúc trong nhân dân và là nguyên nhân của tình trạng khiếu kiện. Đại biểu Trần Ngọc Vinh phân tích do đất đai cũng là 1 tài sản, hàng hoá nên theo quy định của Hiến pháp không thể dùng biện pháp thu hồi mà chỉ sử dụng cơ chế trưng mua hoặc trưng dụng trong trường hợp thật sự cần thiết. Để đảm bảo tính hợp hiến, theo đại biểu dự thảo Luật sửa đổi nên quy định Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh và phục vụ các dự án vì lợi ích công cộng. Trường hợp sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế, xã hội như xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, dịch vụ, các dự án với 100% vốn nước ngoài, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)… sẽ sử dụng cơ chế trưng mua, trưng dụng. Theo đại biểu, quy định này đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phát biểu ý kiến

Về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) cho rằng để đảm bảo quyền bình đẳng của người bị thu hồi đất và người có quyền giao đất nên áp dụng cơ chế trưng mua và trưng dụng. Nếu làm được việc này sẽ tránh được tình trạng không đồng thuận trong nhân dân- đại biểu nhận định. Theo đại biểu, ngoài trưng mua, trưng dụng cần quy định đối với các dự án về kinh tế quy mô nhỏ và vừa áp dụng cơ chế thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất.

* Sửa đổi toàn diện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

Vấn đề về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến tại phiên thảo luận. Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng đây chính là điểm mấu chốt dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất đai diễn ra ngày một gia tăng. Dự thảo Luật cần phải sửa đổi toàn diện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Theo đại biểu, những quy định trong dự thảo luật về vấn đề này vẫn chỉ là những quy định chung chung, chưa sát thực tế, vì điều quan trọng mà người dân có đất bị thu hồi quan tâm nhất là cuộc sống của họ sẽ ra sao khi đất nhà bị thu hồi, dự thảo Luật lại chưa tính đến". Ban soạn thảo cần nghiên cứu và tính đến vấn đề này. Đại biểu đề nghị cần nâng mức bồi thường cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, đồng thời Nhà nước phải đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người nông dân sau khi bị thu hồi đất; nghiên cứu lập quỹ giải quyết việc làm cho người nông dân bị thu hồi đất...

Trên cơ sở tán thành với các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong dự thảo Luật, đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng điều người dân quan tâm nhất sau khi thu hồi đất đó là có công ăn việc làm ổn định. Đại biểu đánh giá, Đảng, Nhà nước đã có nhiều quan tâm trong việc thực hiện vấn đề này, tuy nhiên đây vẫn là vấn đề lo lắng băn khoăn nhất của người dân. Đại biểu đề xuất bổ sung đối với những dự án phát triển kinh tế, đặc biệt là các dự án khai thác khoáng sản cần đưa ra quy định chia sẻ lợi ích cho cộng đồng để phục hồi kinh tế lâu dài cho người dân. Theo đại biểu, cần quy định yêu cầu các tổ chức đó băt buộc phải thành lập bộ phận quan hệ cộng đồng để nghiên cứu phát triển ngành nghề thích hợp giúp cho người dân vùng dự án trong việc tạo việc làm. Bộ phận này sẽ tồn tại suốt đời nếu như là dự án khai thác khoáng sản; dự án phát triển kinh tế khác, Nhà nước quy định tùy theo tình hình cụ thể.

* Nên hạn chế các trường hợp “thu hồi đất”

Nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị nên hạn chế các trường hợp Nhà nước tiến hành “thu hồi đất”.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đề nghị, cần xem xét thêm về thuật ngữ “thu hồi đất” và kiến nghị nên sử dụng “trưng mua quyền sử dụng đất” vì quyền sử dụng đất là quyền tài sản và cũng được coi là tài sản theo quy định của Bộ Luật dân sự. Đại biểu Phong cũng cho rằng, cần cân nhắc mục đích thu hồi đất đi đôi với cơ chế thu hồi; phân định giữa các trường hợp mục đích thu hồi đất khác nhau như: Thu hồi vì mục đích quốc phòng an ninh, thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai; thu hồi để phục vụ dự án phát triển KT-XH…

Đại biểu Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) đưa quan điểm nên thu hẹp thẩm quyền thu hồi đất của Nhà nước. Việc thu hồi đất chỉ nên đặt ra đối với những công trình quốc phòng, an ninh. Đối với những trường hợp thu hồi vì mục đích phục vụ các dự án phát triển KT-XH thì chỉ nên coi đó là trưng mua trên cơ sở thương lượng với chủ sử dụng đất là người dân.

Cùng quan điểm, các đại biểu: Nguyễn Thị Hải (Nghệ An), Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cũng như nhiều đại biểu khác kiến nghị việc thu hồi đất chỉ nên giới hạn ở những dự án phục vụ quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, nên đảm bảo quy trình thu hồi đất thực sự minh bạch. Việc đền bù phải đảm bảo thỏa đáng những tổn thất về sinh kế.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) phát biểu ý kiến

Nhiều ý kiến của các đại biểu không tán thành việc kéo dài thời hạn giao đất lên 50 năm như trong dự thảo, cho rằng việc này sẽ gây nhiều tác động xấu đến hậu quả xã hội. Các đại biểu đề xuất việc kéo dài thời hạn giao đất cần phải được tính toán kỹ, chọn lọc đối tượng phù hợp được kéo dài và đảm bảo nghĩa vụ tài chính. Đặc biệt cần kiểm soát chặt chẽ việc giao đất sau thu hồi đất; kiên quyết không để tình trạng hoang hóa đất đai sau khi thu hồi trong khi người dân thiếu đất sản xuất.

* Cần thống nhất phương pháp tính giá đất

Rất nhiều ý kiến băn khoăn với quy định trong dự thảo khi xác định giá đất “phù hợp với giá thị trường”. Các đại biểu lập luận, quy định như vậy là quá khó khăn trong việc áp dụng trên thực tế.

Đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) lo lắng: Quy định đất “phù hợp với giá thị trường" vẫn rất “mờ mờ, chưa sáng rõ”. Cho rằng đây là mấu chốt của công tác quản lý đất đai, nguyên nhân của các khiếu kiện liên quan đến đất đai, đại biểu kiến nghị cần phải quy định cụ thể hơn về cơ quan, đơn vị xây dựng giá, cơ quan thẩm định giá khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất.

Hoan nghênh những điểm mới, tiến bộ trong dự thảo sửa đổi, tuy nhiên, cũng chưa hài lòng với quy định về phương pháp định giá đất, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đặt câu hỏi: Quy định “phù hợp với giá thị trường" là trong điều kiện bình thường hay bất thường bởi tại nhiều thời điểm thu hồi đất, giá đất đã bị “thổi” lên rất cao? Cần quy định chi tiết phương pháp định giá đối với từng loại đất: Nông nghiệp, đất ở, đất rừng để đảm bảo tính khả thi - đại biểu kiến nghị.

Cùng quan điểm này, các đại biểu: Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long), Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) và nhiều đại biểu khác kiến nghị ban soạn thảo cần tiếp thu, làm rõ hơn nữa khái niệm “phù hợp với giá thị trường” trong xác định giá đất.

(Theo TTXVN)

;
.