Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII: Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) phải bảo đảm phù hợp với thực tiễn

Thứ Hai, 12/11/2012, 14:25 [GMT+7]

Một số ý kiến phân tích, nêu lên một trong những nguyên nhân là một số biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng chưa có cơ chế vận hành cụ thể, gây khó khăn, lúng túng cho việc tổ chức thực hiện. Các ý kiến thể hiện sự tán thành với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng trên cơ sở tổng kết, đánh giá một cách kỹ lưỡng, sâu sắc việc thi hành Luật phòng, chống tham nhũng trong 6 năm qua. Một số ý kiến cho rằng nội dung của dự án Luật sửa đổi lần này cần bám sát vào những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật cũng như trong Báo cáo sơ kết thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, kiên quyết khắc phục tính hình thức, khẩu hiệu trong các quy định. Việc sửa đổi phải bảo đảm các quy định phù hợp với thực tiễn, nhất là phải toàn diện, đầy đủ và cụ thể thì mới tạo điều kiện cho công tác tổ chức thực hiện, qua đó góp phần phát huy hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

* Mở rộng hay thu hẹp phạm vi đối tượng phải kê khai tài sản?

Xung quanh quy định về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, các đại biểu tập trung phân tích và đề xuất các ý kiến cụ thể để khi Luật đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả, tránh tình hình thức.

Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) có quan điểm về lâu dài cần thiết mở rộng đối tượng kê khai tài sản để đảm bảo sự công bằng. Tuy nhiên đại biểu đánh giá, với phạm vi đối tượng như trong Luật hiện hành nhưng chưa thực hiện chắc chắn, thì việc mở rộng đối tượng trong thời gian tới sẽ khó thực hiện, khó hiệu quả. Theo đại biểu, điều mấu chốt là nâng cao hiệu quả, bổ sung các biện pháp quản lý kiểm soát có tính khả thi, trong đó đặc biệt chú ý tới các chế tài xử lý vi phạm. Từ những phân tích này, đại biểu tán thành với những quy định trong dự thảo Luật quy định đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, bao gồm người có nghĩa vụ kê khai theo quy định hiện hành, đồng thời bổ sung thêm những cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên. Vấn đề này, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) có quan điểm khác, cho rằng đối tượng phải kê khai tài sản cần được mở rộng, tất cả cán bộ, công nhân viên chức nhà nước đều cần kê khai tài sản. Theo đại biểu, cán bộ, công chức, viên chức đều có thể liên quan tới quản lý tài sản, tiếp xúc giải quyết công việc của người dân. Đại biểu đánh giá đây là đòi hỏi tất yếu trong công khai, minh bạch thu nhập, làm cơ sở cho việc phòng, chống tham nhũng. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, ngoài các đối tượng phải kê khai tài sản đã quy định cần bổ sung thêm đối tượng con thành niên của những đối tượng này. Đại biểu đề xuất, dự thảo Luật cần có cơ chế thu hồi tài sản nếu tài sản hiện có vượt quá những thứ đã kê khai mà không chứng minh, không giải trình được. Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cũng tán thành với quan điểm đối tượng kê khai cần phải mở rộng. Đại biểu đánh giá việc kê khai minh bạch tài sản trên thực tế vẫn còn hình thức, hiệu quả ngăn chặn tham nhũng thấp. Hơn nữa theo đại biểu, quy định đối tượng phải kê khai tài sản đang bị trống một khoảng lớn đó là các đối tượng liên quan như con thành niên, bố mẹ, anh, chị, em ruột… Theo đại biểu, đây là một sơ hở vì sẽ có sự dịch chuyển tài sản cho người thân nắm giữ. Do vậy đại biểu đề xuất cần mở rộng đối tượng phải kê tài sản.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng)

phát biểu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII

* Công khai bản kê khai tài sản, thu nhập

Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) đánh giá Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành chưa quy định về công khai tài sản, thu nhập mà chỉ quy định việc công khai kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập. Do đó, những quy định này chỉ mang tính hình thức, tính hiệu quả và tính khả thi không cao, không kiểm soát được tài sản thu nhập cũng như không phát huy được tác dụng trong phòng ngừa và phát hiện tham nhũng.

Đại biểu nêu lên một thực tế cho thấy những vụ tham nhũng không được phát hiện nhiều tại nơi làm việc, mà đa số từ phía nhân dân và giới báo chí. Đại biểu đề nghị cần đưa chế định về công khai bảng kê khai tài sản, thu nhập cả nơi người có nghĩa vụ thường xuyên làm việc, công tác và nơi cư trú. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để nhân dân giám sát việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng. Theo đó, cần có những quy định về quy trình, thủ tục công khai nơi cư trú thật chặt chẽ, tránh lạm dụng vào mục đích tiêu cực.

Không cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên cho rằng, không nên công khai bản kê khai tài sản cả nơi cư trú vì lo sợ bị đối tượng xấu lợi dụng. Hơn nữa, đại biểu cho rằng tại nơi cư trú nếu chỉ căn cứ vào bảng kê khai tài sản, thu nhập để giám sát, phát hiện ra việc kê khai thiếu trung thực là khó thực hiện được.

* Mô hình Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng

Đại biểu Mã Điền Cư nhất trí với việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Với tính chất, mức độ của tình trạng tham nhũng hiện nay, nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, đại biểu kiến nghị bên cạnh việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương, Quốc hội cần thành lập Ủy ban độc lập phòng, chống tham nhũng. Ủy ban này có quyền điều tra bất cứ vấn đề gì liên quan đến tham nhũng trong các cơ quan nhà nước, tiếp nhận và xem xét các kiến nghị của công dân, công chức, viên chức về tham nhũng. Ủy ban này có quyền đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân truy tố các bị can về các tội danh tham nhũng. Người đứng đầu Ủy ban do Quốc hội phê chuẩn, ngân sách hoạt động của Ủy ban do Quốc hội phê duyệt.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) ủng hộ quan điểm không giao chức năng phòng, chống tham nhũng cho cơ quan hành pháp. Theo đại biểu ở nhà nước pháp quyền, trách nhiệm phòng, chống tham nhũng thuộc cơ quan tư pháp hoặc thuộc một cơ quan độc lập do Quốc hội chỉ định hoặc bầu ra thì mới phù hợp. Trong dự thảo luật, Ban soạn thảo không đề cập về Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, nhưng để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lòng dân, đại biểu đề nghị nghiên cứu thiết kế một điều luật riêng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng. Qua đó thể hiện công tác phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và phải tuân theo pháp luật, đảm bảo tính kế thừa liên tục trong công tác này. Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị thành lập Ủy ban quốc gia độc lập phòng, chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội, bao gồm các cơ quan chức năng và những người đủ mạnh, đủ tâm, đủ tài để thực hiện có kết quả, hiệu quả đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân.

Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) lại có quan điểm khác, cho rằng thành lập cơ quan chống tham nhũng ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không hợp lý. Theo đại biểu, đấu tranh chống tham nhũng trước hết là trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan Chính phủ và của cả hệ thống chính trị, của người dân. Quốc hội là cơ quan lập pháp và có chức năng giám sát các hoạt động chống tham nhũng của Chính phủ. Do vậy, việc thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không hợp lý.

Tại phiên thảo luận chiều 9/11, nhiều đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ quy định việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) đồng tình cho rằng việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban là đúng với tinh thần và nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng, bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cũng thể hiện sự đồng tình cao với chủ trương của Đảng khẳng định trách nhiệm chính trị của Tổng Bí thư trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Theo đại biểu nên hình thành theo mô hình 2 trong 1; Tổng Bí thư, Bí thư cấp ủy sẽ là trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng; Phó ban thường trực là trưởng ban nội chính của các cấp ủy; các phó ban trực tiếp là các đồng chí cấp phó của các cơ quan Thanh tra, Viện kiểm sát nhân dân, Công an, Tòa án nhân dân... phụ trách các bộ phận phòng, chống tham nhũng của mỗi đơn vị. Cơ quan này được hình thành theo quyết định để xác minh từng vụ việc cụ thể của người có thẩm quyền. Như vậy sẽ không phát sinh thêm một cơ quan hay một bộ máy.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh) lại cho rằng nên thành lập cơ quan phòng, chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội để phù hợp với xu hướng của nhiều nước trên thế giới và lấy tên là Ủy ban Quốc gia về phòng, chống tham nhũng. Ủy ban Quốc gia về phòng, chống tham nhũng là cơ quan tối cao của đất nước trực thuộc cơ quan quyền lực cao nhất. Ủy ban có cơ chế đặc biệt, không tương đương hoặc giống các ủy ban khác của Quốc hội; trực thuộc và chịu trách nhiệm trước Quốc hội; có bộ máy hoạt động riêng, có một số đơn vị trực thuộc đảm nhiệm các chức năng phòng ngừa, điều tra, giám sát, pháp chế. Ủy ban không thuộc sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng vẫn chịu sự giám sát, chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp. Quốc hội sẽ bầu các chức danh chủ chốt của Ủy ban. Đại biểu đề nghị Quốc hội sẽ bầu Tổng Bí thư làm Chủ tịch Ủy ban. "Như vậy, Tổng Bí thư vừa là người phụ trách cao nhất công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, vừa có bộ máy tham mưu của Đảng, vừa có bộ máy nhà nước để thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng. Như vậy sẽ chính danh và hợp pháp.

Tán thành với việc việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhưng đại biểu Dương Ngọc Ngưu (Điện Biên) cho rằng không nên quy định Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong dự thảo luật mà nên quy định trong văn kiện của Đảng.

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) lại cho rằng không nên xáo trộn hệ thống cơ quan phòng, chống tham nhũng hiện nay. Đại biểu cho rằng cơ quan phòng, chống tham nhũng sẽ do Tổng Bí thư chỉ đạo nhưng Tổng Bí thư không làm công tác điều tra mà Quốc hội phải có cơ chế lựa chọn người đứng đầu cơ quan điều tra và cho phép cơ quan điều tra có những biện pháp đặc biệt để áp dụng điều tra, chứng minh tội phạm tham nhũng nhưng phải đặt thiết chế giám sát thường xuyên đối với cơ quan này. Đồng thời cũng cần xử lý nghiêm các hiện tượng can thiệp vào hoạt động điều tra cũng như những người cố tình vi phạm pháp luật trong việc điều tra sai. Như vậy sẽ không xáo trộn hệ thống, không phải sửa toàn bộ hệ thống tư pháp hình sự mà vẫn thực hiện đúng cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đại biểu phân tích: Không phải cơ quan nào tiến hành điều tra tội phạm tham nhũng mới điều tra xử lý được tham nhũng. Vấn đề đặt ra là cơ quan điều tra tội phạm tham nhũng đó có kiểm tra kỹ không, người đứng đầu hệ thống chống tham nhũng có đúng không và cơ chế giám sát đối với những người này như thế nào để kiểm soát được thu nhập và việc thực thi pháp luật của họ. Đại biểu đề nghị cần có một cơ chế công khai minh bạch trong việc kiểm soát lãnh đạo của cơ quan quản lý công tác phòng, chống tham nhũng. "Tôi không tin rằng đưa cơ quan điều tra chống tham nhũng sang Quốc hội hay một cơ quan nào đó của Trung ương Đảng thì chất lượng điều tra chống tham nhũng tốt hơn. Vấn đề là hãy buộc các cơ quan này làm đúng pháp luật"- Đại biểu Hồ Trọng Ngũ nhấn mạnh.

* Tăng cường cơ chế giám sát đối với công tác phòng, chống tham nhũng

Theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) còn thiếu một cơ chế giám sát đủ mạnh để những quy định của lLật được vận hành tích cực trong cuộc sống vì thiếu cơ chế giám sát thì Luật có đề ra nhiều quy định cũng không thể phát huy tác dụng, chỉ mang tính hình thức. Để Luật thực sự đi vào cuộc sống, đại biểu cho rằng ngoài việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng không thể thiếu một cơ chế giám sát của quần chúng, dư luận và báo chí. Đại biểu dẫn chứng: Thực tế cuộc sống đã chứng minh, chính quần chúng nhân dân và báo chí là trợ thủ đắc lực trong việc phát hiện các hành vi tham nhũng trong thời gian qua và chính dư luận quần chúng và báo chí là áp lực để cho việc thực thi các biện pháp phòng, chống tham nhũng được vận hành một cách tích cực và có kết quả.

Đại biểu Chu Lê Chinh (Lai Châu) cũng cho rằng thực tế hiện nay nhiều vụ việc tham nhũng do nhân dân và báo chí phát hiện là chính. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cụm từ: "khảo sát, gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, tiếp xúc báo chí" vào quy định tại điều 76 "Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát". Theo đó, quy định về phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát sẽ là: ": Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thông qua hoạt động giám sát, khảo sát, gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, tiếp xúc báo chí có trách nhiệm phát hiện hành vi tham nhũng, yêu cầu hoặc kiến nghị việc xử lý theo quy định của pháp luật".../.

(Theo TTXVN)

;
.