Thực trạng tội phạm tham nhũng tại thành phố Hồ Chí Minh từ 2006-2011

Thứ Hai, 15/10/2012, 14:06 [GMT+7]

Cụ thể là: tội Tham ô tài sản 48 vụ (chiếm 63,15% số vụ), 107 bị can (chiếm 58,46% số bị can); tội Nhận hối lộ 16 vụ (chiếm 21,05% số vụ), 50 bị can (chiếm 27,32% số bị can); tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ 04 vụ (chiếm 5,26% số vụ), 08 bị can (chiếm 4,37% số bị can); tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiến đoạt tài sản 03 vụ (chiếm 3,94% số vụ), 3 bị can (chiếm 1,63% số bị can); tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi 02 vụ (chiếm 2,63%  số vụ), 6 bị can (chiếm 3,2% số bị can); tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ 02 vụ (chiếm 2,63% số vụ), 08 bị can (chiếm 4,37 số bị can); tội Giả mạo trong công tác 01 vụ (chiếm 1,31% số vụ), 01 bị can (chiếm 0,5% số bị can).

Tội phạm tham nhũng xảy ra tập trung ở các lĩnh vực sau:

1. Lĩnh vực quản lý, sử dụng nhà đất, xây dựng cơ bản, bồi thường giải phóng mặt bằng

Tội phạm tham nhũng xảy ra khá phổ biến trong quản lý và sử dụng đất đai, giao đất không đúng thẩm quyền; chuyển nhượng đất đai, xây dựng nhà trái phép; vi phạm trong nghiệm thu, giám sát công trình xây dựng; khai khống vật tư, thiết bị để chiếm đoạt tiền của nhà nước… Điển hình như vụ tham nhũng xảy ra tại Công ty địa ốc Gò Môn, quận Gò Vấp (mua bán đất thu lợi bất chính, đưa, nhận hối lộ hàng tỷ đồng); vụ nhận hối lộ 262.000USD xảy ra tại Ban Quản lý Đại lộ Đông Tây; tham ô tài sản tại đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương; vụ nhận hối lộ để các hộ dân xây nhà trái phép tại phường 12, quận Gò Vấp; vụ làm giả hồ sơ tham ô tiền đền bù của dân xảy ra tại Ban Bồi thường  giải  phóng  mặt  bằng  huyện  Hóc Môn; vụ nhận hối lộ của đơn vị thi công công trình xử lý nước thải của Công ty chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre…

Các bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ tham nhũng

về đất đai huyện Hóc Môn

2. Lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu

Trong lĩnh vực này, tham nhũng thể hiện ở dạng lợi dụng việc liên doanh, liên kết, việc ký kết và thực hiện hợp đồng để tham nhũng; cấu kết đưa hối lộ cho nhân viên hải quan, thuế, những người có chức vụ, quyền hạn tại các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các hành vi trái pháp luật để được cấp phép, cấp quota, ưu đãi trong việc kiểm tra hàng hóa. Ví dụ như: vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong việc chuyển tiền, tài sản cho công ty gia đình sử dụng xảy ra tại Công ty phát triển kinh tế Duyên Hải (COFIDEX); vụ tham ô tài sản ký khống hợp đồng mua bán giữa Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng thành phố với Công ty TNHH cơ khí Hồng Hà; vụ nhận hối lộ của nhân viên Hải quan, Cục Hải quan thành phố…

3. Lĩnh vực y tế

Những năm gần đây, lĩnh vực y tế phát hiện nhiều vụ án tham nhũng. Hành vi tham nhũng ở các dạng như: lợi dụng nhiệm vụ được giao mua hàng, đã sử dụng chứng từ, nâng khống khối lượng hàng hóa để chiếm đoạt tiền; để ngoài sổ sách phiếu thu tiền viện phí để chiếm đoạt; lấy thuốc của bệnh viện bán ra thị trường thu lợi bất chính. Điển hình là: vụ tham ô tài sản tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Sanofi; Bệnh viện Quận 8; Bệnh viện Nhi Đồng; vụ nhận hối lộ tại Trung tâm y tế dự phòng quận Tân Phú; vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

4. Lĩnh vực giáo dục

Hành vi lợi dụng việc mua bán các thiết bị giáo dục để ghi khống, tăng giá trị hàng hóa để chiếm đoạt, hưởng chênh lệch; lợi dụng việc tuyển sinh, thi cử để nhận hối lộ. Điển hình như: vụ đưa, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại trường Cao đẳng Giao thông Vận tải 3; vụ nhận hối lộ xảy ra tại trường Cao đẳng Điện lực quận 12; vụ tham ô tài sản xảy ra tại trường Khánh Hội A, quận 4; Công ty Thiết bị giáo dục 2…

5. Lĩnh vực thuế

 Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao làm trái quy định để chiếm đoạt tiền thuế thu được hoặc tự nâng mức thuế cao hơn qui định để chiếm đoạt tiền chênh lệch. Điển hình như: vụ tham ô tài sản xảy ra tại Chi Cục thuế huyện Cần Giờ; Chi Cục thuế huyện Bình Chánh…

6. Lĩnh vực hành chính nhà nước, tổ chức đoàn thể

Trong các cơ quan, tổ chức, nhiều cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để vụ lợi, nhận hối lộ… Điển hình như: vụ lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại phường 14, quận Phú Nhuận; tham ô tiền quỹ công đoàn xảy ra tại Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT); vụ tham ô xảy ra tại Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 6, quận 8; vụ nhận hối lộ xảy ra tại Ủy ban nhân dân phường 3, quận Bình Thạnh; vụ tham ô tài sản xảy ra tại Kho bạc Nhà nước và Bảo hiểm xã hội huyện Nhà Bè.

7. Các cơ quan bảo vệ pháp luật

Hành vi tham nhũng xảy ra dưới dạng nhận hối lộ vì vụ lợi, vượt thẩm quyền, làm trái quy định, không làm hết trách nhiệm gây hậu quả. Điển hình như, vụ lạm quyền trong thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cơ quan Thi hành án dân sự thành phố…

Từ các vụ việc, vụ án nêu trên cho thấy, chủ thể phạm tội là thủ kho, kế toán, thủ quỹ, nhân viên được giao nhiệm vụ phân phối, bán hàng, thu tiền; người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, trường học, bệnh viện, tổ chức chính trị xã hội. Các vụ án có nhiều người tham gia.

Trong các bị can bị khởi tố về các tội tham nhũng, có 01 bị can nguyên là Bí thư Quận ủy; 08 bị can nguyên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; 19 bị can nguyên là Trưởng, Phó phòng các cơ quan Nhà nước; 02 bị can nguyên là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng; 04 bị can nguyên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch các tổ chức đoàn thể, hội; 01 bị can nguyên là công an viên; 04 bị can nguyên là Thanh tra viên; 03 bị can nguyên là Chấp hành viên; 04 bị can nguyên là đội trưởng, phó đội trưởng thi công, giám sát xây dựng; 12 bị can nguyên là Giám đốc, Phó Giám đốc công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân, công ty nước ngoài… số còn lại là cán bộ, công chức Nhà nước giữ các nhiệm vụ như: kế toán, thủ kho, thủ quỹ, nhân viên, dược sĩ, giáo viên…

Mặc dù thủ đoạn phạm tội mỗi vụ có sự riêng  biệt,  nhưng  đều  giống  nhau  ở  chỗ người phạm tội triệt để lợi dụng những sơ hở của chính sách, pháp luật, trong cơ chế quản lý và tổ chức điều hành của các cơ quan, đơn vị để thực hiện. Thủ đoạn phạm tội rất đa dạng, phức tạp.

Hầu hết vụ án tham nhũng bị truy tố, đưa ra xét xử đều gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ như: Trần Thị Thu Hà cùng đồng bọn chiếm đoạt 18 tỷ đồng và 3.000 lượng vàng, số tiền hối lộ lên đến hàng tỷ đồng; vụ Nguyễn Thị Thu Hà cùng đồng bọn tham ô trên 17 tỷ đồng; vụ Nguyễn Thanh Xuân cùng đồng bọn gây thiệt hại trên 2,7 triệu USD và 20 triệu yên Nhật.

Ngoài hậu quả thiệt hại về tài sản, tội phạm tham nhũng còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả thực hiện chính sách kinh tế - xã hội, đến quá trình hoạt động của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức xã hội… làm mất danh dự, uy tín, thể diện quốc gia đối với các nhà tài trợ, các đối tác, tổ chức quốc tế (như vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ nhận hối lộ xảy ra tại Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây), làm giảm lòng tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội và doanh nghiệp.

Nguyễn Thị Hương

(Văn phòng Ban Chỉ đạo thành phố Hồ Chí Minh)

;
.