Kết quả kiểm toán vẫn chưa được khai thác triệt để trong công tác phòng, chống tham nhũng
Được biết, từ việc thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã tạo được những dấu ấn tích cực. Đồng chí có thể nói đôi nét về các quy chế phối hợp này?
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là tổ chức liên ngành, trực thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước. Những năm qua, các cơ quan Trung ương đã xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa: Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và Văn phòng Ban Chỉ đạo, Công an, Kiểm sát, Tòa án trong phối hợp công tác phòng, chống tham nhũng; quy chế phối hợp giữa: Công an, Kiểm sát, Tòa án và Văn phòng Ban Chỉ đạo trong hoạt động tố tụng; quy chế phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Những quy chế ấy được xây dựng xuất phát từ nhu cầu thực tế và việc thực hiện đã trở nên thường xuyên.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng thường trực,
Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là cơ quan chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trên toàn quốc và trên mọi lĩnh vực. Các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử thực hiện những hoạt động này thì mặc nhiên Văn phòng Ban Chỉ đạo phải sử dụng các kết quả đó và phải có sự gắn kết chặt chẽ. Ngược lại, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử cũng có nhu cầu gắn chặt với Văn phòng Ban Chỉ đạo để các kết quả đó thực sự được phát huy một cách hiệu quả hơn.
Sau quá trình thực hiện quan hệ phối hợp, đồng chí đánh giá như thế nào về các kết quả kiểm toán của KTNN đối với công tác phòng, chống tham nhũng?
Theo đánh giá của chúng tôi, kết quả kiểm toán của KTNN là nguồn thông tin rất có giá trị và là kho tài nguyên rất quý giúp phát triển công tác phòng, chống tham nhũng. Vấn đề ở đây là Văn phòng Ban Chỉ đạo có đủ nguồn lực và có biết cách để khai thác hay không? Bởi lẽ, KTNN kết luận theo chức năng và có thể nêu những cái chưa đúng trong việc quản lý sử dụng tài sản ngân sách nhà nước chứ không thể kết luận có hay không có tội phạm như các cơ quan điều tra. Khi KTNN nêu lên những sai phạm thì các cơ quan có chức năng tố tụng là Công an, Kiểm sát, Tòa án sẽ phải đọc được những điều ẩn sau hiện tượng đó. Lúc này chính là lúc cần đến các biện pháp điều tra hoặc dùng các biện pháp nghiệp vụ chuyên môn theo chức năng để đi sâu làm rõ, kết luận. Thực tế thời gian qua, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng đã sử dụng kết quả kiểm toán trong một số vụ việc lớn như vụ Vinashin, vụ Công ty cho thuê tài chính II (ALCII). Mặc dù vậy, tôi vẫn cho rằng, hiện nay chúng tôi vẫn chưa khai thác một cách triệt để và đang để lãng phí nguồn tư liệu này.
Theo đồng chí, đâu là lý do cơ bản dẫn đến tình hình này?
Ở đây chúng tôi đang có một sự vướng mắc, sai phạm được KTNN phát hiện thực tế không ít, nhưng sai phạm cũng có nhiều dạng, có dạng cố ý làm trái, có dạng do lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản... Trong kết luận của KTNN, những vấn đề nào đi sâu được, bóc tách được rành mạch thì thật sự là nguồn tư liệu rất quý cho các cơ quan điều tra. Tuy nhiên, với những vấn đề KTNN chỉ nêu hiện tượng mà không bóc tách thì rất khó để sử dụng. Chẳng hạn, nếu chúng ta phát hiện sai phạm 1000 tỷ đồng, nhưng trong đó không làm rõ bao nhiêu là do cố ý làm trái, bao nhiêu là do hạch toán sai và bao nhiêu là chiếm đoạt thì không dễ để xử lý. Bởi thế một số đại biểu Quốc hội vẫn thắc mắc khi cho rằng tại sao KTNN kết luận sai phạm hàng trăm tỷ đồng mà có khi chỉ thu hồi một vài tỷ đồng. Trên thực tế, phần lớn trong hàng trăm tỷ đồng đó có khi là do hạch toán sai và bây giờ cần điều chuyển lại, nhưng về nguyên tắc vẫn phải dùng chung từ “sai phạm”. Bởi thế, Trung ương đã có yêu cầu, tới đây, các cơ quan thanh tra, kiểm tra phải cố gắng làm rõ sai phạm theo từng nội dung cụ thể. Với chức năng của mình, KTNN hoàn toàn có thể bóc tách rõ ràng mà không nhất thiết phải từ yêu cầu của các cơ quan điều tra. Còn giả sử có một vài cá nhân không muốn bóc tách hoặc cố tình làm nhòe các kết luận thì cũng không phải là quá khó hiểu khi thanh tra, điều tra, kiểm toán cũng chỉ là những con người…
Về vấn đề này, KTNN và Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng đã có Biên bản ghi nhớ phối hợp hai bên, trong đó KTNN sẽ giúp Văn phòng Ban Chỉ đạo những vấn đề chuyên môn sâu liên quan đến dấu hiệu sai phạm; ngược lại, Văn phòng Ban Chỉ đạo sẽ giúp KTNN tham mưu chỉ đạo điều tra để bóc tách rõ từng nội dung sai phạm. Cá nhân tôi rất mong muốn các kết luận của KTNN sẽ cụ thể hơn, nét hơn để những người “ngoại đạo” hoặc những người thuộc các cơ quan không có chuyên môn sâu về kiểm toán cũng có thể nhìn ra được vấn đề.
Nhìn nhận một cách khách quan, việc chưa khai thác được “tài nguyên” từ KTNN cũng là điểm yếu của Văn phòng Ban Chỉ đạo, đây thực sự là một điều đáng tiếc. Bên cạnh vướng mắc vừa nêu trên, một lý do căn bản khác là bởi Văn phòng Ban Chỉ đạo mới được thành lập, hầu hết cán bộ đều xuất phát từ lĩnh vực nội chính, tố tụng, điều tra, truy tố, xét xử. Quan điểm của tôi là Văn phòng Ban Chỉ đạo rất cần có thêm các chuyên gia về kinh tế tài chính để có thể tham mưu giúp lãnh đạo giải mã, bóc tách các kết luận từ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Ý tưởng này cũng đang được chúng tôi thực hiện từng bước. Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, kinh tế tài chính là một lĩnh vực hết sức quan trọng, bên cạnh đó còn có các lĩnh vực khác như văn hóa, xã hội, y tế, an ninh, quốc phòng… Chúng tôi luôn mong muốn Văn phòng Ban Chỉ đạo có đầy đủ các chuyên gia theo từng lĩnh vực để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn.
Xin trân trọng cảm ơn!
Nhị Nguyên (thực hiện)