Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012

Thứ Ba, 23/10/2012, 10:50 [GMT+7]

Báo cáo nhận định: Thời gian qua, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và với trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp, sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể, cơ quan báo chí, truyền thông, nhất là vai trò quan trọng của quần chúng nhân dân, công tác phòng chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Đa số cán bộ công chức có ý thức rèn luyện hoàn thành tốt nhiệm vụ, không nhũng nhiễu, tiêu cực, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, ổn định và phát triển kinh tế xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng an ninh. Nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng đã được phát hiện; số vụ án tham nhũng được khởi tố, truy tố tăng so với cùng kỳ năm 2011, tỷ lệ tội phạm tham nhũng hưởng án treo giảm. Từ đầu năm đến nay, 44 trường hợp người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh

trình bày Báo cáo

Tuy đạt được kết quả tích cực nhưng nhìn chung, công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu và mục đích đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở rất nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội.

Kiên trì, quyết tâm thực hiện mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo để sớm sửa đổi , bổ sung Nghị định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng và các quy định về một số biện pháp phòng ngừa khác để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng. Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng , hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, xóa bỏ tình trạng “xin, cho”, trong đó chú trọng các lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, tín dụng, ngân hàng…Vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể, tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp cũng cần được phát huy mạnh mẽ, đặc biệt là vai trò trách nhiệm của cơ quan báo chí truyền thông và mỗi cán bộ, đảng viên trong phòng chống tham nhũng…

Cuối phiên khai mạc, thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác tham nhũng năm 2012, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng của tệ nạn tham nhũng hiện nay là tình trạng suy thoái phẩm chất đạo đức của không ít cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong đó một số cán bộ là lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Bên cạnh đó là bệnh quan liêu, thành tích, hình thức vẫn còn nặng nề, nên không ít người đứng đầu vẫn còn có biểu hiện ngại đấu tranh với hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý…

(P.V)

;
.