Kết quả điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng 6 tháng đầu năm 2012 (*)

Thứ Năm, 09/08/2012, 10:08 [GMT+7]

1.  Kết  quả  điều  tra,  xử  lý  tội  phạm tham nhũng toàn ngành (63 địa phương và C48)

Lực lượng Cảnh sát điều tra về tham nhũng đã thụ lý điều tra 243 vụ/559 bị can, trong đó: án cũ chuyển sang là 128 vụ/347 bị can; khởi tố mới là 115 vụ/212 bị can; tăng 12 vụ (11,7%), tăng 32 bị can (17,8% so với cùng kỳ năm 2011).

Kết quả xử lý như sau: đã kết luận điều tra 101 vụ/ 257 bị can; tạm đình chỉ điều tra 07 vụ/14 bị can; đình chỉ điều tra 02 vụ/03 bị can; đang điều tra 133 vụ/285 bị can; thiệt hại 657,9 tỷ đồng và 2,1 triệu USD; đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 13,1 tỷ đồng.

Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an

họp báo công bố kết quả điều tra ban đầu vụ Vinalines (22/5)

Các địa phương khởi tố nhiều là: Hà Nội (17 vụ/23 bị can); Đồng Nai (07 vụ/08 bị can); Phú Yên (05 vụ/08 bị can); Nghệ An (05 vụ/06 bị can); Thành phố Hồ Chí Minh (05 vụ/06 bị can)…

Có 19 địa phương không khởi tố được vụ án tham nhũng nào, là: Ninh Thuận, Quảng Ninh, Hậu Giang, Cà Mau, Lào Cai, Bắc Kạn, Gia Lai, Vĩnh Long, Hưng Yên, Hải Phòng, Lai Châu, Quảng trị, Hà Giang, Tuyên Quang, Bình Định, Quảng Bình, Tây Ninh, Cao Bằng, Điện Biên.

2.  Kết  quả  điều  tra,  xử  lý  tội  phạm tham nhũng của C48

Đã thụ lý điều tra 13 vụ án/57 bị can, cụ thể là: khởi tố mới 04 vụ/18 bị can tăng 01 vụ (33,3%) và tăng 08 bị can (80%) so với cùng kỳ năm 2011; án cũ chuyển sang 05 vụ/26 bị can; phục hồi điều tra 01 vụ/01 bị can; án điều tra bổ sung 02 vụ/12 bị can; án do cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển 01 vụ.

Kết quả xử lý như sau: kết luận điều tra 03 vụ/13 bị can (trong đó kết luận điều tra bổ sung 02 vụ/12 bị can); đình chỉ điều tra 01 vụ/01 bị can (căn cứ Khoản 1, Điều 25, Bộ luật tố tụng Hình sự); hiện đang điều tra 09 vụ/43 bị can; thiệt hại 564,9 tỷ đồng và 2,1 triệu USD; thu hồi 3,55 tỷ đồng.

Điển hình là các vụ án

- Ngày 16/01/2012, C48 khởi tố vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại chi nhánh Hồng Hà, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Ngày 14/5/2012, C48 khởi tố bổ sung tội danh và ngày 16/5/2012 đã thực hiện lệnh bắt giam 04 tháng đối với 03 bị can về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, gồm: Đỗ Đức Hưng, nguyên Giám đốc chi nhánh; Đỗ Thị Minh Hiền, nguyên Trưởng Phòng tín dụng; Trương Đăng Dần, nguyên Phó Phòng tín dụng (đều thuộc chi nhánh Hồng Hà), với hành vi lạm quyền ký bảo  lãnh cho doanh nghiệp mua hàng hóa, không mở sổ sách theo dõi, bảo lãnh vượt quy định… Thiệt hại ban đầu khoảng 487 tỷ đồng. Hiện C48 đang tiếp tục điều tra vụ án.

- Ngày 01/02/2012, C48 khởi tố vụ án tham ô tài sản tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và các đơn vị liên quan, khởi tố 04 bị can. Hành vi phạm tội của các đối tượng là lập hợp đồng, chứng từ khống, sửa chữa khống ụ nổi 83M… để rút tiền chia nhau. Thiệt hại ban đầu ước tính 2,9 tỷ đồng; các đối tượng đã khắc phục, nộp 1,2 tỷ đồng.

Ngày 17/5/2012, C48 đã bổ sung quyết định khởi tố vụ án số 01 ngày 01/02/2012 (bổ sung tội cố ý làm trái), đồng thời ra quyết định khởi tố 03 bị can là: Mai Văn Phúc, nguyên Tổng Giám đốc Vinalines, hiện là Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông - Vận tải; Trần Hữu Chiều, Phó tổng Giám đốc Vinalines và Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vinalines, Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ Giao thông - Vận tải (bị can Dũng đã bỏ trốn, hiện đang truy bắt)… Hành vi phạm tội của các đối tượng trên là tự ý quyết định đầu tư khi chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tự ý xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển; mua ụ nổi 83M sản xuất từ năm 1965 với giá trị thấp, nhưng khai với giá trị cao, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Hiện C48 đang tiến hành điều tra vụ án.

Ụ nổi 83M

Bên cạnh kết quả trên, công tác điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Việc phát hiện, khởi tố còn ít so với tình hình tội phạm tham nhũng đã và đang xảy ra hiện nay. Thực tế cho thấy, rất ít các ngành, địa phương chủ động kiểm tra, thanh tra, phát hiện tội phạm tham nhũng chuyển cho Cơ quan điều tra để xử lý mà thường xử lý hành chính nội bộ. Còn có hiện tượng bao che cho người vi phạm; ngại va chạm, né tránh trong việc hợp tác với cơ quan Công an, do vậy, có những vụ việc, vụ án tham nhũng đã xảy ra trong thời gian dài, nhưng không được phát hiện, ngăn chặn. Việc phối hợp giữa cơ quan điều tra với các cơ quan truy tố, xét xử, cơ quan giám định… còn thiếu chặt chẽ; nhiều quan điểm, nhận thức đánh giá chứng cứ còn khác nhau, không thống nhất, nên thời hạn điều tra vụ án còn bị kéo dài.

3. Những khó khăn, vướng mắc

Trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng, C48 còn gặp không ít những khó khăn, vướng mắc, đó là:

- Tội phạm tham nhũng là loại tội phạm mà chủ thể thường là cán bộ, đảng viên, sử dụng nghề nghiệp để phạm tội và che dấu tội phạm. Việc điều tra, xác minh công khai ít mang lại hiệu quả; chỉ có sử dụng các biện pháp điều tra trinh sát mới phát hiện được. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, các cơ quan chức năng không được áp dụng các biện pháp nghiệp vụ điều tra khi chưa có quyết định khởi tố (trừ khi có dấu hiệu phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia), do vậy, rất khó khăn cho việc phát hiện, điều tra tội phạm tham nhũng. Vụ án xảy ra tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam là một ví dụ điển hình. Trước khi có quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, do không được áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nên bị can Dũng đã bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra vụ án.

- Một số bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật, như: Phần A, Chương XXI, Luật báo chí (về cung cấp nguồn tin quy định “chỉ có Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh trở lên mới có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin…”. Ngân hàng Nhà nước quy định chỉ khi nào có quyết định khởi tố vụ án hình sự thì mới cung cấp tài liệu…; dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong việc thu thập tài liệu, phục vụ cho việc khởi tố các vụ án hình sự.

- Việc điều tra các vụ án tham nhũng nói chung phải báo cáo xin ý kiến nhiều cấp có thẩm quyền; phải trao đổi, họp bàn nhiều lần với các cơ quan: Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân… do vậy thời gian chờ đợi lâu, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả công tác điều tra.

- Thời gian giám định quá dài, kinh phí giám định quá lớn; một số cơ quan được trưng cầu giám định từ chối, né tránh; trình độ chuyên môn của một số giám định viên chưa đáp ứng được yêu cầu, phải giám định nhiều lần… dẫn đến thời hạn điều tra của một số vụ án bị kéo dài, thậm chí không xử lý được.

- Khi Viện kiểm sát hay Tòa án trả hồ sơ vụ án về để điều tra bổ sung, thì việc đề xuất, đăng ký để lãnh đạo các cơ quan Tư pháp Trung ương tổ chức cuộc họp liên ngành thường phải chờ đợi mất nhiều thời gian. Đó cũng là một trong những nguyên nhân kéo dài thời hạn điều tra vụ án.

4. Một số kiến nghị

Một là, sửa đổi quy định hiện hành theo hướng: nếu phát hiện đối tượng  có dấu hiệu phạm tội tham nhũng thì Cơ quan điều tra được phép áp dụng các biện pháp điều tra bí mật để thu thập chứng cứ trước khi khởi tố. Đối với đảng viên có chức vụ bị nghi vấn tham nhũng, đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương có biện pháp cách ly phục vụ cho công tác điều tra, xác minh.

Về thời gian thông báo bằng văn bản cho cấp ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, thủ trưởng… đề nghị sửa đổi trong thời hạn 03 ngày (72 giờ).

Hai là, đề nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xóa bỏ quy định “chỉ cung cấp tài liệu cho cơ quan điều tra sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự”.

Ba là, khẩn trương xây dựng Luật giám định tư pháp, quy định chế tài: thời gian cử giám định viên, thời gian giám định, cách giải quyết khi có kết luận giám định trái ngược nhau…

Bốn là, nâng cao năng lực, phương tiện kỹ thuật, chế độ lương, phụ cấp cho lực lượng điều tra viên làm công tác đấu tranh chống tội phạm tham nhũng để hạn chế tiêu cực, nâng cao trách nhiệm trong thi hành công vụ.

(* Báo cáo của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, Bộ Công an. Đầu đề do Ban Biên tập đặt.)

;
.