Công tác phòng, chống tham nhũng ở Quân khu II, Quân đoàn I và Quân đoàn II - Bộ Quốc phòng
Đảng ủy, BTL đã ban hành: Chương trình hành động, Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; các quyết định, chỉ thị, quy chế trên các lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tham nhũng; tổ chức quán triệt học tập Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), tuyên truyền giáo dục ý thức phòng, chống tham nhũng, kỷ luật quân đội dưới nhiều hình thức; ban hành và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật; công khai, minh bạch trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị; quản lý chặt chẽ tài chính, tài sản, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng.
Đoàn cán bộ Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương
về phòng, chống tham nhũng làm việc tại Quân đoàn II
Các quân khu, quân đoàn triển khai công tác chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng theo Nghị định 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 30/TT-BQP ngày 23/3/2010 của Bộ Quốc phòng quy định danh mục các nhóm, ngành, ngành công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi chức danh đối với cán bộ, nhân viên trong Quân đội. Đến nay, Quân đoàn I chuyển đổi được 257/321 vị trí, Quân đoàn II chuyển đổi được 108/108 vị trí.
Công tác thanh tra, kiểm tra nội dung phòng, chống tham nhũng được lồng ghép trong quá trình thanh tra, kiểm tra nội bộ tại các đơn vị trong quân khu, quân đoàn. Quân khu II tiến hành thanh tra 58 cuộc, kiểm tra 33 cuộc. Quân đoàn I tiến hành 07 cuộc thanh tra, 03 cuộc kiểm tra. Quân đoàn II thanh tra về công tác phòng, chống tham nhũng tại 02 nhà trường, 02 đơn vị và 01 cơ quan. Qua công tác thanh tra, kiểm tra chưa phát hiện xảy ra tham nhũng; các đơn vị không có đơn, thư tố cáo về tham nhũng.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng của các quân khu, quân đoàn vẫn còn một số hạn chế, như: (1) Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng, chống tham nhũng chưa thường xuyên, đa dạng, phong phú; (2) Công tác quản lý đất quốc phòng của một số đơn vị thiếu chặt chẽ (tại Quân đoàn I, còn để dân lấn chiếm đất quốc phòng); (3) Công tác kiểm tra, quản lý việc mua sắm một số vật tư, tài sản, giám sát trong đầu tư xây dựng cơ bản ở một số đơn vị ở Quân khu II chưa được chặt chẽ, thường xuyên; (4) Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng theo Nghị định 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 30/TT-BQP của Bộ Quốc phòng tại Quân khu II chưa được quan tâm đúng mức.
Trong thời gian tới, để công tác phòng, chống tham nhũng đạt được hiệu quả thiết thực, Đảng ủy các Quân khu, Quân đoàn tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, gắn liền với các nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Các cấp ủy đảng, BTL và chỉ huy các cấp xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, người chỉ huy; công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng; gắn công tác phòng, chống tham nhũng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
- Tiếp tục hoàn thiện các quy định, quy chế, chế độ trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách, chi tiêu mua sắm tài sản công, chi thường xuyên, thực hiện các chế độ định mức tiêu chuẩn, công tác phí, xăng dầu…
- Thực hiện có hiệu quả về công tác cán bộ, như: điều động, luân chuyển, bổ nhiệm…; xử lý nghiêm những cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng suy thoái đạo đức, lối sống, có dấu hiệu tham nhũng.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
- Đổi mới, tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo 138 để phát huy hơn nữa vai trò đầu mối, tham mưu giúp Bộ Tư lệnh triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng từ Bộ Tư lệnh đến các đơn vị cơ sở trực thuộc.
Nguyễn Hồng Quang
(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)