Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII: Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo giải trình và trả lời chất vấn
Về doanh nghiệp nhà nước
Phần báo cáo của Chính phủ dành riêng một mục nói về doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Báo cáo khẳng định DNNN, nòng cốt là tập đoàn, tổng công ty đã đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, cơ bản đáp ứng được nhu cầu công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng an ninh, là một công cụ quan trọng để điều tiết kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, một số tập đoàn, tổng công ty chưa làm tốt vai trò là đầu tàu trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; một số tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, đất đai còn thấp; một số lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty tiêu cực, lãng phí, vi phạm pháp luật. Sau khi có các kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực gây thất thoát, lãng phí tại các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, kể cả điều tra để truy tố theo quy định của pháp luật…
Đại biểu Trần Du Lịch chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Để khắc phục những tồn tại hạn chế, yếu kém trên đây, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới DNNN; cơ cấu lại một số tập đoàn và tổng công ty hiện có cho phù hợp với thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ; nghiên cứu ban hành Nghị định riêng về nhiệm vụ, tổ chức và cơ chế hoạt động của từng tập đoàn, tổng công ty đặc biệt quan trọng.Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước bảo đảm thực hiện thường xuyên, có hiệu quả việc theo dõi, giám sát, kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, điều hành doanh nghiệp của các cán bộ quản lý; có mô hình phù hợp, hiệu quả để thực hiện được nhiệm vụ này.
Ban hành cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước; tăng cường trách nhiệm người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN; hoàn thiện cơ chế người đại diện phần vốn nhà nước; xây dựng cơ chế lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ phù hợp; thuê tổng giám đốc, giám đốc điều hành, thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên.
Hàng năm đánh giá việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp, trong đó chú trọng làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng DNNN, đặc biệt là của Bộ quản lý ngành và cá nhân người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp. Thông qua cơ chế theo dõi, kiểm tra và giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch sẽ kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý nghiêm minh các sai phạm theo quy định của pháp luật.
Chính phủ sẽ nghiên cứu và sớm ban hành tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao đối với DNNN.
Về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết những hạn chế, yếu kém trong tổ chức, hoạt động sản xuất kinh doanh cùng những sai phạm của lãnh đạo Tổng công ty không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng và quy định của pháp luật, gây lãng phí, thất thoát lớn vốn, tài sản của nhà nước mới được phát hiện gần đây đang là vấn đề gây bức xúc, được Quốc hội và nhân dân quan tâm. Chính phủ đã và đang chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ, nhất là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Trong thời gian tới đây, Chính phủ sẽ chỉ đạo tái cơ cấu mạnh mẽ Tổng công ty này.
Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo
Tại Kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội các báo cáo chuyên đề về sơ kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Khiếu nại, tố cáo (KNTC) đang là vấn đề nổi lên được Quốc hội và cử tri quan tâm. Chính phủ cũng đã có báo cáo chuyên đề gửi các vị đại biểu Quốc hội. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo thêm: tham nhũng, lãng phí tuy đã từng bước được kiềm chế, song vẫn còn nghiêm trọng, chưa được đẩy lùi, còn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách nhà nước; thu thuế, phí; quản lý, sử dụng vốn tài sản trong doanh nghiệp nhà nước; tín dụng ngân hàng; công tác cán bộ; quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp... gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo và phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; chú trọng cả phòng và chống tham nhũng, lãng phí với tinh thần kiên quyết, kiên trì liên tục, đúng pháp luật, sớm khắc phục những hạn chế yếu kém để tạo chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới. Trong đó trọng tâm là nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; gắn việc thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí với triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
Chính phủ sẽ sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng, đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, khắc phục các sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng. Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng nhân dân cả nước tích cực giám sát đối với hoạt động của cán bộ, cơ quan nhà nước góp phần ngăn chặn, phát hiện, xử lý các vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác giải quyết KNTC của công dân trên tinh thần vừa bảo đảm lợi ích hợp pháp của người dân theo đúng quy định của pháp luật, công khai minh bạch, vừa giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, xử lý nghiêm minh những người lợi dụng khiếu nại, tố cáo để vi phạm pháp luật. Chính phủ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2012 về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết KNTC. Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo xử lý một số vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài, các vụ việc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hơn công tác giải quyết KNTC; tổ chức đối thoại với người KNTC, thực hiện công khai minh bạch, huy động sự tham gia của luật sư, các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình giải quyết KNTC bảo đảm giải quyết có lý, có tình, dứt điểm từ cơ sở. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo, giải quyết xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu tố đông người, phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; công bố công khai kết quả giải quyết kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chính phủ sẽ khẩn trương ban hành các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật khiếu nại, Luật tố cáo…
Đẩy mạnh công khai, minh bạch việc kinh doanh của các tập đoàn, góp phần chống tiêu cực
Kết thúc phần báo cáo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền dẫn lại những vụ tham nhũng, lãng phí lớn gần đây như PMU18, Vinashin, Vinalines và chất vấn trách nhiệm của Chính phủ. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Mỗi thất thoát hay bất cứ hiện tượng xã hội nào không tốt, Chính phủ đều chịu trách nhiệm. Từ một con tàu đang đi ngoài khơi bị chìm cho tới chiếc máy bay bị nổ, cũng có trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành liên quan.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Đại biểu Trần Du Lịch chất vấn từ khi xảy ra vụ Vinashin, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia đã khuyến nghị cần sớm tăng công khai minh bạch, buộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước công bố thông tin giống như các công ty niêm yết thị trường chứng khoán. Giải pháp đã có, tại sao đến nay không làm, để đến khi thanh tra mới thấy sai phạm? Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại báo cáo đã được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh gửi tới Quốc hội. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty phải công khai, minh bạch việc kinh doanh trong thời gian tới. “Điều này sẽ góp phần chống tiêu cực trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước". Về lý do chậm trễ, Phó Thủ tướng cho biết “có nguyên nhân khách quan, cần chuẩn bị điều kiện cần thiết”. Đến nay, Chính phủ khẳng định sẽ làm mạnh việc này.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đồng Hữu Mạo về trách nhiệm của các bộ trong giám sát, quản lý tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Theo luật, các bộ tổng hợp, các bộ chuyên ngành đều có trách nhiệm trong việc thất thoát tài sản vốn nhà nước”. Phó Thủ tướng cho biết “sắp tới Chính phủ tăng trách nhiệm hơn nữa, nhất là của các bộ, ngành”. Theo Phó Thủ tướng, ngày 16/6, Thủ tướng sẽ nghe báo cáo về nghị định mới về quản lý, giám sát tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, trong đó có trách nhiệm của các bộ khi để xảy ra thất thoát, tham nhũng.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị “khi làm rõ trách nhiệm, Chính phủ công khai cách xử lý, làm rõ trách nhiệm để nhân dân biết”. Phó Thủ tướng thừa nhận, hiện Chính phủ đang nợ 7 văn bản, nghị định về vấn đề này: “Chậm nhất trong quý III sẽ ban hành đầy đủ. Sẽ công khai cho dân. Công khai, minh bạch là một yêu cầu bắt buộc, như đại biểu Trần Du Lịch nói, như niêm yết trên thị trường chứng khoán”.
P.V
(Tổng hợp)