Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIII: Hơn 1.200 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi tới Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đọc diễn văn khai mạc
Tại kỳ họp lần này, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, thông qua 13 dự án luật, 7 Nghị quyết của Quốc hội, 6 dự án luật.
Quốc hội sẽ xem xét các vấn đề kinh tế, xã hội, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng như Báo cáo ngân sách Nhà nước năm 2011; Báo cáo triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2012; Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban tài chính - ngân sách của Quốc hội về việc bổ sung 4 dự án vào Danh mục các dự án, công trình được phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015.
Quốc hội cũng sẽ giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nghiên cứu và cho ý kiến về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
* Hơn 1.200 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội
Sớm sửa đổi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Cử tri và nhân dân phản ánh, công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua mặc dù có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị. Đặc biệt là trong các lĩnh vực và hoạt động liên quan đến đất đai, khoáng sản; đầu tư công; xây dựng cơ bản; quản lý vốn và tài sản của doanh nghiệp nhà nước; tín dụng, ngân hàng; thu chi ngân sách, mua sắm tài sản công...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
trao đổi với các đại biểu tại Phiên họp lần thứ 17 của Ban Chỉ đạo
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm sửa đổi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và có giải pháp đồng bộ, tập trung phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, sớm cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; sớm tổ chức lại cơ quan phòng chống tham nhũng đủ mạnh; sớm thực hiện chủ trương lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Cử tri và nhân dân cho rằng, tình trạng lãng phí diễn ra phổ biến trong sản xuất và tiêu dùng, trong đầu tư, mua sắm tài sản công… Đầu tư công dàn trải, hiệu quả chưa cao; nhiều công trình dở dang, nhiều công trình xây dựng xong nhưng không khai thác hoặc khai thác kém hiệu quả gây lãng phí nghiêm trọng. Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên.
Khắc phục tình trạng chậm giải quyết khiếu nại, tố cáo
Những tháng đầu năm 2012, tình hình khiếu nại, tố cáo có nhiều diễn biến phức tạp. Số vụ việc, số lượt công dân, số lượng đoàn đông người, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo đều tăng. Trong đó, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ lớn; một số vụ khiếu nại, tố cáo đông người có sự kích động của các phần tử xấu.
Cử tri và nhân dân cho rằng, tình trạng trên chủ yếu là do chính sách bồi thường cho người có đất bị thu hồi còn nhiều bất cập, hay thay đổi, thiếu nhất quán, giá bồi thường thấp, có sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất bồi thường so với giá trị trường hoặc giá nhà đầu tư bán ra. Thu hồi đất nhưng chậm sử dụng, để hoang hóa, trong khi người dân không có đất để sản xuất. Công tác quản lý đất đai còn sơ hở, lỏng lẻo; không ít cán bộ lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực nhưng không bị xử lý nghiêm minh gây bức xúc trong nhân dân.
Cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cho rằng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Một số địa phương chưa tổ chức tốt việc tiếp công dân, chưa gắn công tác tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ; còn né tránh, đùn đẩy. Nhiều vụ việc chưa được quan tâm giải quyết dứt điểm. Một số vụ việc giải quyết không đúng chính sách, pháp luật và thực tế gây bức xúc trong nhân dân.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục dứt điểm tình trạng trên; giải quyết tới nơi tới chốn những vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài; chỉ đạo người đứng đầu chính quyền các cấp dành thời gian để tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc thu hồi đất phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất bị thu hồi.
Việc tổ chức cưỡng chế phải đúng trình tự pháp luật, có lý, có tình, phải đối thoại, vận động trước khi cưỡng chế. Cử tri đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không thực hiện đúng pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, đùn đẩy, né tránh trong giải quyết khiếu nại tố cáo, để xảy ra tình trạng khiếu nại đông người, khiếu nại vượt cấp. Mặt khác, xử lý nghiêm đối với những trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động người khác tụ tập đông người trái pháp luật, gây rối an ninh trật tự.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật về tiếp công dân và sửa đổi, bổ sung Luật đất đai cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Đổi mới và nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, đẩy mạnh hoạt động giám sát
Cử tri và nhân dân hoan nghênh những đổi mới bước đầu về tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XIII. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cho rằng việc tiếp xúc cử tri, thu thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri của nhiều đại biểu Quốc hội còn hạn chế. Đại biểu Quốc hội mới chỉ tiếp xúc cử tri qua hình thức hội nghị trước và sau mỗi kỳ họp; chưa quan tâm tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, vì vậy không nắm bắt được đẩy đủ những bức xúc trong các tầng lớp nhân dân. Việc phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri giữa hai kỳ họp Quốc hội chưa được quan tâm; việc tham gia giám sát chính quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân còn hạn chế…
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội quan tâm hơn nữa đến việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri; đẩy mạnh hoạt động giám sát, nhất là giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, giám sát công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…Các đại biểu Quốc hội cần thực hiện tốt chương trình hành động của mình; thường xuyên giữ mối liên hệ và dành nhiều thời gian tiếp dân, tiếp xúc với cử tri; nêu gương trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có bản lĩnh và dũng khí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí... /.
P.V