Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII: Chất vấn về quản lý vốn ODA, đầu tư dàn trải gây thất thoát, lãng phí

Thứ Năm, 14/06/2012, 13:27 [GMT+7]

Quản lý vốn ODA còn nhiều bất cập

Nhiều đại biểu cho rằng vấn đề quản lý vốn ODA thời gian qua còn nhiều bất cập, các chương trình ODA chịu sự chi phối nhiều văn bản pháp quy trong nước và quy định của nhà tài trợ và giữa các văn bản có sự mâu thuẫn nhau.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho biết dư luận hết sức quan tâm đến việc Đại sứ quán Đan Mạch thông báo về việc dừng dự án nghi có tiêu cực tại 3 dự án ODA tại Việt Nam, đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi xảy ra dư luận không tốt trên, và Bộ đã có những chỉ đạo gì chấn chỉnh công tác ODA trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đây là 3 dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý. Bộ trưởng nói: “Tin tức đưa về nghi vấn ở 3 dự án này diễn ra ngay trước thềm Hội nghị các nhà tài trợ giữa kỳ (CG). Ngay khi có thông tin, chúng tôi đã yêu cầu cơ quan hữu quan làm việc trực tiếp với 2 bộ quản lý các dự án này và Đại sứ quán Đan Mạch. Phía Đan Mạch cho biết đây là mới nghi vấn, chưa dừng hẳn cấp ODA mà chỉ tạm dừng để xem xét”.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các Bộ liên quan rà soát lại từng dự án, kể từ ngày 13/6/2012. Phía Việt Nam cho rằng không có vi phạm trong 3 dự án này. Nếu có sai phạm thì xử lý nghiêm khắc, lấy lại niềm tin của các nhà tài trợ. ODA trong thời điểm hiện nay rất quan trọng, nhất là trong điều kiện chúng ta cắt giảm đầu tư công. Và tại hội nghị CG trên, hơn 130 nhà tài trợ không một ai có ý kiến, chất vấn gì về vấn đề này.

Trách nhiệm đối với việc thất thoát vốn

Các đại biểu cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm đối với việc thất thoát vốn tại một số tập đoàn kinh tế nhà nước trong thời gian gần đây, cũng như những bất cập trong quản lý đầu tư công và những giải pháp để giải quyết cơ chế “xin-cho” đối với các dự án đầu tư.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, những bất cập trong đầu tư công là có bởi nền kinh tế nước ta còn nhỏ, trong khi nhu cầu hoàn thiện hạ tầng lớn, không địa phương nào không cần, do vậy dẫn tới tình trạng đầu tư dàn trải đối với các khu kinh tế, công nghiệp, cảng...

Theo Bộ trưởng, dù đã có phân cấp nhưng chúng ta lại chưa có đủ chế tài để xử lý. Sau này các địa phương phải quyết định lựa chọn các dự án và phải tự chịu trách nhiệm cân đối được vốn, nếu lo đủ vốn mới được ký.

Trong kế hoạch sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ không giao chi tiết một danh mục đầu tư nào, mà chỉ giao những dự án quan trọng với tổng số tiền cho các địa phương dựa trên các nguyên tắc đưa ra để lựa chọn. Bộ sẽ dựa theo các tiêu chí để thẩm định, và tham mưu với Chính phủ những vấn đề lớn chứ không đi vào chi tiết cũng là để hạn chế tiêu cực “xin - cho”. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: “Quan trọng là làm sao để phân bổ cho đúng, hiện tiêu chí nguyên tắc phân bổ ngân sách nhà nước còn khó khăn vướng mắc, sẽ phải có sửa đổi để phù hợp với từng ngành”.

Về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc phát hiện sai phạm trong sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà cụ thể là trong vụ Vinalines, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết sai phạm tại Vinalines về nguyên tắc có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, nhiều nghị định, quy định đã quy định chặt chẽ trách nhiệm của tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trong sử dụng vốn nhà nước. Do đó các tập đoàn, tổng công ty không có trách nhiệm phải báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên Bộ không nắm được.

Để khắc phục việc quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết hiện Nghị định 132 của Chính phủ quy định về đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhưng sẽ phải làm rõ hơn điều này theo hướng Bộ chủ quản chuyên ngành sẽ là đại diện chủ sở hữu vốn này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có kế hoạch sửa Nghị định này nhưng nổi lên một số vấn đề là chủ sở hữu vốn trước là Nhà nước nay chuyển sang các Bộ, ai chịu trách nhiệm bổ nhiệm Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết cách đây 1 tháng, Chính phủ đã họp về việc sửa đổi Nghị định 132.

Đối với việc thất thoát vốn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ bổ sung, Thanh tra Chính phủ đã kết luận rõ ràng trách nhiệm chính của Vinalines là của Chủ tịch và giám đốc các đơn vị thành viên, không nói đến trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng thừa nhận vẫn còn lúng túng trong việc tách bạch giữa vai trò quản lý nhà nước và vai trò của chủ sở hữu. Vai trò giám sát các tập đoàn còn lỏng lẻo, cần tăng cường giám sát kiểm toán nội bộ, giám sát quản lý tài chính...

P.V

(Theo TTXVN)

;
.