Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) (Phần nói về công tác phòng, chống tham nhũng)

Thứ Tư, 16/05/2012, 09:27 [GMT+7]

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI)

… “Hội nghị nhất trí cho rằng, từ khi Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) được ban hành, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính trị đã chủ động, tích cực vào cuộc. Đã tập trung nhiều công sức xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các cơ chế, chính sách có liên quan; ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; phê chuẩn tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; phê duyệt và chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình hành động thi hành Công ước… Nhờ vậy, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, nhất là trong phòng ngừa, công khai, minh bạch hóa hoạt động của bộ máy nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài sản công; trên một số lĩnh vực, tham nhũng, lãng phí đã từng bước được kiềm chế.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt được yêu cầu "ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng". Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trong các lĩnh vực và hoạt động liên quan đến đất đai, khoáng sản; đầu tư công; xây dựng cơ bản; quản lý vốn và tài sản của doanh nghiệp nhà nước; tín dụng, ngân hàng; thu chi ngân sách, mua sắm tài sản công; công tác cán bộ; quan hệ giữa cơ quan, cán bộ nhà nước với người dân, doanh nghiệp...

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có những nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân cơ bản là: Một số cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu chưa quyết tâm lãnh đạo và gương mẫu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; những bất cập về thể chế, nhất là trong việc ban hành, thực thi luật pháp, cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội; trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, thiếu công khai, minh bạch và nhất quán; vẫn còn tình trạng "xin - cho". Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm.

Trung ương nhấn mạnh, phải kiên trì và đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Chú trọng cả phòng và chống, cả phòng, chống tham nhũng và phòng, chống lãng phí. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sớm khắc phục các nguyên nhân vừa nêu trên. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế, xã hội; tăng cường công tác tổ chức và cán bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và công luận.

Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị; lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban đảng, đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Quyết định này một lần nữa thể hiện quyết tâm cao của Trung ương trong việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với mong muốn đạt kết quả cao hơn, tốt hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong nhiều biện pháp giúp Trung ương, Bộ Chính trị chỉ đạo, điều hòa, phối hợp công tác của các cơ quan chức năng; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng không làm thay các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước; không phải cứ lập Ban chỉ đạo là xoay chuyển ngay được tình hình như "một chiếc đũa thần". Bởi vì, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, gian khổ, lâu dài, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Trong đó, vai trò của các đồng chí Trung ương, các đồng chí lãnh đạo, quản lý của các ngành, các cấp là cực kỳ quan trọng. Mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng hãy là một chiến sĩ tiên phong, đi đầu trong cuộc đấu tranh này. Phải gương mẫu, giữ mình cho trong sạch, không vướng vào tham nhũng, lãng phí; đồng thời phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt trong đơn vị công tác của mình”./.

;
.