Tòa án nhân dân tối cao với công tác phòng, chống tham nhũng
5 năm qua, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp trong việc giải quyết các vụ án tham nhũng, nghiêm trọng, phức tạp; phối hợp với Thanh tra Chính phủ trong việc xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn việc trao đổi, quản lý và sử dụng thông tin, dữ liệu về PCTN. Trên tinh thần phối hợp đó, công tác xét xử các vụ án tham nhũng đã đạt được những kết quả tích cực.
Năm 2009, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai Kế hoạch giám sát “Việc tổ chức, thực hiện công tác đấu tranh PCTN và việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác đấu tranh PCTN” tại TAND tối cao. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cử Đoàn giám sát trực tiếp xuống kiểm tra, giám sát 08 đơn vị tại TAND tối cao, 09 TAND tỉnh và 01 Tòa án Quân sự quân khu. Ngoài ra, 20 TAND tỉnh và 01 Tòa án Quân sự quân khu khác gửi báo cáo bằng văn bản cho Đoàn giám sát. Theo đánh giá của Đoàn giám sát, các đơn vị đã thực hiện tốt những nội dung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra, kịp thời và đảm bảo chất lượng.
Đồng chí Trương Hòa Bình
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
Cũng trong năm 2009, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã yêu cầu TAND tối cao báo cáo về 190 vụ án tham nhũng mà 3 Tòa phúc thẩm TAND tối cao xét xử trong 2 năm (2007 - 2008) gồm: 121 vụ/191 bị cáo bị kết án về tội “tham ô tài sản”; 26 vụ/44 bị cáo bị kết án về tội “nhận hối lộ”; 16 vụ/30 bị cáo bị kết án về tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; 23 vụ/78 bị cáo bị kết án về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; 02 vụ/03 bị cáo bị kết án về tội “giả mạo trong công tác”.
Trên cơ sở báo cáo, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã kiểm tra lại quá trình xét xử của TAND tối cao. Ủy ban Tư pháp Quốc hội đánh giá cao về công tác xét xử các vụ án tham nhũng của TAND tối cao.
TAND tối cao chỉ đạo Tòa án địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các bị cáo phạm tội tham nhũng, hạn chế cho các bị cáo được hưởng án treo.
Cùng với việc trừng phạt về hình sự, luôn đặc biệt quan tâm tới các biện pháp thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt; phạt tiền hoặc tịch thu tài sản đối với những trường hợp thu lợi bất chính nhằm khắc phục hậu quả do tội phạm tham nhũng gây ra. Thông qua công tác xét xử, Tòa án đã kiến nghị các cơ quan hoặc tổ chức có liên quan áp dụng những biện pháp cần thiết khác để khắc phục sự buông lỏng trong công tác quản lý, ngăn chặn việc phát sinh tội phạm tham nhũng.
Trong quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng, TAND tối cao gặp một số khó khăn, vướng mắc, đó là: các vụ án tham nhũng thường liên quan nhiều đến lĩnh vực kinh tế, người thực hiện hành vi phạm tội lại có trình độ chuyên sâu về lĩnh vực họ đang đảm nhiệm, nên thủ đoạn thực hiện tội phạm rất tinh vi, khó phát hiện. Trong khi đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung và Tòa án nói riêng còn phụ thuộc nhiều vào kết luận giám định của các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền nhưng công tác giám định lại chưa đáp ứng kịp thời. Do đó, một số trường hợp, việc giải quyết vụ án bị kéo dài, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, nhất là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp.
Trong thời gian tới, ngành Tòa án thực hiện một số các giải pháp là: (1) Tòa án các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng, sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo PCTN Trung ương và cấp tỉnh để quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án tham nhũng bảo đảm đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương và cả nước. (2) Các vụ án tham nhũng cần phải xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng người, đúng tội, có sức thuyết phục; đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa tham nhũng. Để đảm bảo yêu cầu này, trong quá trình xét xử các vụ án tham nhũng, Tòa án các cấp phải phân công các thẩm phán, hội thẩm nhân dân có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, trong sạch… để xét xử các vụ án tham nhũng. (3) Phối hợp với cơ quan truyền thông, báo chí thông tin chính xác về quá trình và kết quả xét xử các vụ án tham nhũng để nhân dân có nhận thức đúng bản chất vụ án tham nhũng nhằm tạo đồng thuận trong xã hội.
Một số kiến nghị:
1. Cần nêu cao vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là vai trò Gương mẫu của cấp ủy đảng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong đấu tranh PCTN.
2. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trên lĩnh vực quản lý tài sản, tài nguyên, ngân sách công; làm tốt công tác cán bộ (bao gồm: công khai, dân chủ, minh bạch, trong đánh giá cán bộ; trong tuyển dụng, sắp xếp, đề bạt và bố trí cán bộ); có chế độ đãi ngộ (tiền lương, phụ cấp, thâm niên, dưỡng liêm…) tương xứng với những người làm công tác PCTN, bởi đây là đối tượng đặc thù.
3. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với các vụ án tham nhũng.
4. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân (giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên…), công khai kết quả giám sát với nhân dân, các cơ quan báo chí, truyền thông.
5. Nghiên cứu, ban hành Luật bảo vệ nhân chứng (có cả việc khen thưởng người phát hiện tham nhũng, tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí).
6. Nghiên cứu, sửa đổi, ban hành chế độ chính sách chung cho cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử… và chế độ chính sách đặc thù cho các cơ quan chuyên trách PCTN, các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.
7. Thành lập Ủy ban Quốc gia về PCTN theo hướng chuyên trách, tập trung, hệ thống dọc, nghiên cứu thẩm quyền yêu cầu, chỉ đạo điều tra; thành lập các cơ quan giám định và đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật giám định tư pháp.
8. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự theo hướng xác định nhóm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm trái pháp luật để vụ lợi, chiếm đoạt tài sản công, tài sản của tập thể thuộc loại tội phạm về tham nhũng.
(Trích tham luận của Tòa án nhân dân tối cao tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN, ngày 07/3/2012. Đầu đề của Ban Biên tập.)