Thông báo kết luận Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
- Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì Phiên họp
Ngày 25/4/2012, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo Trung ương) họp Phiên thứ 17 để đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) quý I, đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác PCTN quý II năm 2012; triển khai Kế hoạch số 08-KH/TW ngày 12/3/2012 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; thảo luận dự thảo Báo cáo về mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Tham dự Phiên họp có đại diện lãnh đạo các cơ quan: Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương); Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an; lãnh đạo các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; đại điện các cơ quan: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Sau khi nghe lãnh đạo Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương trình bày dự thảo Báo cáo kết quả công tác PCTN quý I, phương hướng, nhiệm vụ công tác quý II năm 2012; dự thảo Báo cáo triển khai Kế hoạch số 08-KH/TW ngày 12/3/2012 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và dự thảo Báo cáo về mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương đã phát biểu ý kiến, bày tỏ nhất trí cao với nội dung các dự thảo Báo cáo, đồng thời phân tích, bổ sung thêm một số nội dung cụ thể. Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì Phiên họp đã phát biểu kết luận như sau:
1. Về hoàn thiện và ban hành các văn bản
Thống nhất cơ bản với nội dung các dự thảo Báo cáo trình bày tại Phiên họp. Giao Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp thu ý kiến của các Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương để hoàn chỉnh các văn bản, trình Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương ký ban hành, làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện.
2. Đánh giá kết quả công tác PCTN Quý I năm 2012
Những tháng đầu năm 2012, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN; thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như: công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác của các cán bộ, công chức, viên chức; minh bạch tài sản, thu nhập… Ban Chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp dư luận xã hội quan tâm, như: Xét xử sơ thẩm hành vi cố ý làm trái xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tầu thủy Việt Nam; vụ Nông trường Sông Hậu; vụ cưỡng chế, thu hồi đất tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng; các vụ án trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. Ban Chỉ đạo Trung ương đã giúp Bộ Chính trị tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) trình Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI). Qua sơ kết đã tạo được sự nhất trí cao hơn của cả hệ thống chính trị về PCTN; các cấp ủy Đảng, chính quyền và người đứng đầu đã nhận thức sâu sắc và quan tâm hơn tới công tác PCTN.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN vẫn còn một số hạn chế, đó là: ở một số nơi, cấp ủy, chính quyền còn nể nang, né tránh, chưa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; tiến độ xử lý nhiều vụ án tham nhũng còn chậm, một số vụ để kéo dài, làm giảm lòng tin đối với các cơ quan pháp luật; công tác giám định tư pháp còn nhiều vướng mắc, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh chống tham nhũng; nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm túc quy định chế độ thông tin, báo cáo về PCTN.
3. Về nhiệm vụ công tác PCTN Quý II năm 2012
Trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), các chủ trương, giải pháp được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), trong đó tập trung thực hiện các nhóm giải pháp sau:
3.1. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu trong PCTN. Các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu phải thực sự coi công tác PCTN là một nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong công tác PCTN, LP.
3.2. Bên cạnh việc tích cực, chủ động phòng ngừa, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng. Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thành lập các Đoàn công tác giám sát, kiểm tra liên ngành để kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng theo Kế hoạch số 08-KH/TW ngày 12/3/2012 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), trước hết là chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài mà Ban Chỉ đạo Trung ương đang theo dõi, chỉ đạo xử lý, kể cả những vụ việc, vụ án nếu phát hiện xử lý sai cũng sẽ xem xét lại; xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập các Hội đồng giám định đặc thù nhằm phục vụ yêu cầu của công tác PCTN; tập trung chỉ đạo tốt hơn công tác phối hợp để giải quyết kịp thời những vướng mắc và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.
3.3. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội nhằm phòng ngừa tham nhũng, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng như: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; thu - chi ngân sách; quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp; trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng; trong quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp… Ban Chỉ đạo Trung ương cần chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất Bộ Chính trị ban hành Quy chế nhân dân giám sát tổ chức đảng và đảng viên.
Quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là việc thực hiện các quy định về kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng…
3.4. Tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân trong PCTN. Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp cần tăng cường giám sát thường xuyên đối với hoạt động PCTN, trước hết là giám sát hoạt động của các cơ quan có chức năng PCTN.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội ngành nghề, của cộng đồng và nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh với các hiện tượng tham nhũng, lãng phí. Có biện pháp bảo vệ an toàn và kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ, đảng viên, người dân dũng cảm tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng, lãng phí và những tập thể có thành tích đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.
3.5. Về mô hình tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương: Trên cơ sở ý kiến thống nhất tại Phiên họp, Văn phòng Ban Chỉ đạo tiếp thu ý kiến của các Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, hoàn chỉnh Báo cáo về tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương báo cáo Bộ Chính trị và gửi Ban Tổ chức Trung ương.
Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương xin thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân liên quan biết, thực hiện.