Quy chế giám sát tài chính doanh nghiệp nhà nước
Quyết định về ban hành Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước sẽ thay thế Quyết định số 224/2006/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước và Quyết định số 169/2007/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ.
Mục đích của việc giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động nhằm đánh giá đúng thực trạng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời giúp doanh nghiệp khắc phục những tồn tại, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh doanh, nhiệm vụ công ích, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh; nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với việc quản lý và sử dụng vốn nhà nước; giúp nhà nước, chủ sở hữu vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp kịp thời phát hiện các yếu kém trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để có cảnh báo và đề ra biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Nội dung giám sát trong dự thảo Quy chế bao gồm: quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước của doanh nghiệp; đầu tư của doanh nghiệp; huy động vốn và sử dụng vốn huy động; đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp và hiệu quả đầu tư; quản lý tài sản, công nợ; bảo toàn và phát triển vốn doanh nghiệp; kinh doanh của doanh nghiệp; thực hiện các chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp.
Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Quy chế giám sát tài chính
và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu
và doanh nghiệp có vốn nhà nước là cần thiết và cấp bách
(Ảnh minh họa: Tập đoàn Điện lực Việt Nam)
Giám sát tài chính có thể thực hiện gián tiếp và trực tiếp. Khi giám sát trực tiếp, chủ sở hữu tổ chức kiểm tra, thanh tra tại doanh nghiệp nhằm xem xét tính trung thực, chính xác các tài liệu báo cáo của doanh nghiệp; tình hình chấp hành chính sách, pháp luật; việc thực hiện kiến nghị của chủ sở hữu và cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp. Đồng thời cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp có thể trực tiếp hoặc phối hợp với chủ sở hữu để thực hiện giám sát theo chuyên đề. Dự thảo Quy chế cũng quy định trong 4 trường hợp, doanh nghiệp có thể được đặt vào tình trạng giám sát tài chính đặc biệt. Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, các tổ chức tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán thực hiện giám sát tài chính đặc biệt theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Về quy trình giám sát đặc biệt của chủ sở hữu và xử lý doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt cũng được quy định rất cụ thể về nội dung, chi tiết về thời gian.
Các chế tài xử lý vi phạm và hình thức kỷ luật cũng được tăng cường đối với các chủ thể khi vi phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ giám sát tài chính doanh nghiệp.Đối với doanh nghiệp: Chủ sở hữu thực hiện các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc và quyết định mức lương và các lợi ích khác đối với người quản lý doanh nghiệp và người đại diện phần vốn của công ty tại doanh nghiệp khác nếu vi phạm. Khi để xảy ra các vi phạm, Hội đồng thành viên (Chủ tịch Công ty), Kiểm soát viên phải giải trình nguyên nhân và chịu các hình thức kỷ luật với chủ sở hữu, đồng thời Hội đồng thành viên (Chủ tịch Công ty) tổ chức xem xét và đề xuất hình thức kỷ luật đối với các chức danh Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, người đại diện.
Đối với chủ sở hữu doanh nghiệp (Bộ quản lý ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh): Thủ trưởng cơ quan cấp trên áp dụng các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, miễn nhiệm và cách chức theo quy định của Luật Công chức, Luật Viên chức đối với chủ sở hữu doanh nghiệp nếu vi phạm một trong năm trường hợp được quy định cụ thể: không thực hiện đầy đủ các nội dung giám sát tài chính doanh nghiệp do mình làm chủ sở hữu; không kịp thời đưa ra các biện pháp chấn chỉnh và xử lý sai phạm về quản lý tài chính của doanh nghiệp hoặc không báo cáo cơ quan cấp trên và cơ quan quản lý về tài chính doanh nghiệp đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn tài chính doanh nghiệp; không nộp báo cáo giám sát tài chính doanh nghiệp cho cơ quan tài chính theo thời gian hoặc nội dung quy định; không tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền; báo cáo không trung thực kết quả giám sát tài chính doanh nghiệp do mình làm chủ sở hữu.
Thủ trưởng cơ quan quản lý về tài chính doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp không thực hiện giám sát, cảnh báo kịp thời theo quy định đối với các trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn tài chính dẫn đến thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ Tài chính, việc ban hành Quy chế này là cần thiết và cấp bách, sau không ít những thiếu sót, sai phạm về quản lý và sử dụng vốn gần đây tại các doanh nghiệp nhà nước. Đây là đối tượng đang nắm giữ khối lượng tài sản quốc gia rất lớn: 70% tài sản cố định, 20% đầu tư xã hội, 60% vốn ngân hàng. Nội dung của Dự thảo Quy chế được nhận định là khả thi và đảm bảo tính minh bạch sẽ là cơ sở nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Nguyễn Thị Mỹ Hương
(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)