Phiên họp thứ năm của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương
Thứ Hai, 18/06/2018, 09:09 [GMT+7]
Ngày 16-6-2018 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (Ban Chỉ đạo) họp phiên thứ năm dưới sự chủ trì của đồng chí Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến về Đề án “Đổi mới công tác thi hành án hình sự” và dự thảo Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Sau khi nghe đại diện lãnh đạo các cơ quan: Bộ Công an, Ban Nội chính Trung ương trình bày các dự thảo văn bản, các Thành viên Ban Chỉ đạo đã phát biểu ý kiến đối với các nội dung: Mục tiêu, quan điểm và phạm vi nghiên cứu của dự thảo Đề án “Đổi mới công tác thi hành án hình sự”; đánh giá thực trạng công tác thi hành án hình sự; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong quá trình tổ chức thi hành án; các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới công tác thi hành án hình sự thời gian tới, nhất là trong công tác thi hành án tử hình; hỗ trợ người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng…
Toàn cảnh Phiên họp |
Về Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, các đại biểu cơ bản tán thành với việc ban hành Kế hoạch kiểm tra. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc kỹ về thời gian, đối tượng, phương pháp, cách thức tiến hành, để việc kiểm tra đạt hiệu quả cao nhất.
Phát biểu kết luận Phiên họp, đồng chí Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo biểu dương Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Thư ký và Văn phòng Ban Chỉ đạo đã có nhiều cố gắng, chủ động, tích cực chuẩn bị tài liệu phục vụ Phiên họp theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao và quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo.
Về Đề án “Đổi mới công tác thi hành án hình sự”, Chủ tịch nước cho rằng, cần quán triệt, thực hiện đúng đắn mục tiêu, quan điểm và phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị để xác định rõ mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới công tác thi hành án hình sự, phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
Đồng chí Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu |
Xác định rõ mục tiêu của việc đổi mới công tác thi hành án hình sự là hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành, bảo đảm sự tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật. Quán triệt rõ quan điểm đổi mới công tác thi hành án hình sự phải bảo đảm thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; đề cao tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội; kế thừa truyền thống pháp lý của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm phù hợp của nước ngoài; xác định rõ lộ trình, trách nhiệm triển khai thực hiện của các cấp, các ngành.
Nội dung của Đề án phải làm rõ được những ưu điểm của công tác thi hành án cần tiếp tục duy trì, phát huy; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong từng lĩnh vực cụ thể, trên cơ sở đó đề ra phương hướng, giải pháp đổi mới.
Việc đổi mới công tác thi hành án hình sự trong thời gian tới cần xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể và trách nhiệm thực hiện của từng cơ quan, đơn vị, nhất là việc hoàn thiện chính sách, pháp luật; đổi mới tổ chức bộ máy; việc thi hành án tử hình, án phạt tù, án treo, cải tạo không giam giữ… Phải đề xuất được giải pháp khắc phục tình trạng để nhiều bản án tử hình tồn đọng chưa được thi hành, gây khó khăn cho việc quản lý, giam giữ tại nhiều trại tạm giam.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu |
Cần tiếp tục quán triệt, thể chế hóa và thực hiện nghiêm quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng và công tác quản lý, theo dõi, giáo dục đối với người thi hành án treo, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, quản chế...; từng bước thực hiện việc xã hội hóa một số hoạt động thi hành án.
Về dự thảo kế hoạch kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, Chủ tịch nước cho rằng, đây là nhiệm vụ thường xuyên, đã được xác định trong Chương trình làm việc năm 2018 của Ban Chỉ đạo; giúp Ban Chỉ đạo nắm vững tình hình, đánh giá đúng kết quả trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp; biểu dương những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích; đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện đúng, đầy đủ. Chủ tịch nước đề nghị chọn vấn đề, phương pháp, đơn vị, địa phương để kiểm tra, đôn đốc sao cho thiết thực, hiệu quả. Chú trọng công tác tự kiểm tra, tự đánh giá của các bộ, ngành, địa phương; trên cơ sở đó lựa chọn cả những bộ, ngành, các địa phương có cách làm hay và những bộ, ngành, các địa phương làm chưa tốt để kiểm tra, đôn đốc. Các đồng chí Thành viên được phân công làm Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo có trách nhiệm thu xếp công việc, bố trí thời gian tổ chức các Đoàn đi làm việc với các bộ, ngành, địa phương và báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo theo đúng quy định.
Về phương hướng, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2018, Ban Chỉ đạo tiếp tục xem xét, cho ý kiến về: (1) Sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo cho phù hợp với điều kiện chuyển Văn phòng Ban Chỉ đạo về Ban Nội chính Trung ương; (2) Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong Quân đội; (3) Đề án phát triển đội ngũ luật sư và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của luật sư; (4) Đề án đổi mới, tăng cường công tác hòa giải trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính; (5) Đề án xây dựng Bộ chỉ số tư pháp; (6) Báo cáo tổng kết công tác cải cách tư pháp năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2019 của Ban Chỉ đạo; Chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo năm 2019.
Đồng chí Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan, tổ chức được giao chủ trì cần tích cực, khẩn trương hoàn thành các đề án, bảo đảm chất lượng và trình Ban Chỉ đạo theo đúng kế hoạch.
P.V
;